Người biểu tình che chắn cho một cụ bà trong cuộc đụng độ với cảnh sát để phản đối luật lao động mới ở thủ đô Jakarta hôm 8-10 - Ảnh: Reuters
“Đây là luật cho tương lai, không phải quá khứ. Ông Bahlil Lahadalia (trưởng ban điều phối đầu tư của Chính phủ Indonesia) |
Điều này đã lên tới mức nô lệ thời hiện đại. Ông Said Iqbal (chủ tịch Liên đoàn Các nghiệp đoàn lao động Indonesia) |
Nhiều video được truyền thông đăng tải cho thấy người biểu tình la hét, ném đá, đột nhập vào các tòa nhà và phóng hỏa gần dinh Tổng thống Indonesia ở Jakarta hôm 8-10, còn cảnh sát phun vòi rồng và bắn hơi cay để giải tán đám đông.
Theo các nhà tổ chức, biểu tình diễn ra ở hơn 60 địa điểm, từ tỉnh Aceh ở phía tây cho tới tỉnh Papua nằm cách đó hơn 4.800km.
Lo mất "an ninh việc làm"
Tất cả xuất phát từ Dự luật tạo việc làm (Omnibus), được Quốc hội Indonesia thông qua hôm 5-10 sau hơn 60 cuộc họp. Tuy nhiên, sự giận dữ đã xuất hiện từ lúc Indonesia lần đầu đưa ra bản dự thảo đầu năm nay.
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã lên tiếng bảo vệ luật mới, cho rằng người biểu tình đang bị "thông tin sai lệch" kích động. Ông giải thích Indonesia cần luật Omnibus để tạo việc làm cho người dân trước tác động của dịch COVID-19.
Luật mới áp dụng một loạt sửa đối với các luật hiện hành. Trong đó, các sửa đổi với Luật lao động 2003 đặc biệt gây nhiều quan ngại. Theo luật trước đây, các gói trợ cấp nghỉ việc có thể kéo dài tới hơn 30 tháng. Tuy nhiên, luật mới giới hạn chi trả lương trong trường hợp này chỉ 19 tháng.
Luật lao động 2003 cũng cấm các công ty sử dụng công nhân từ các công ty bên ngoài, nhưng luật mới không có lệnh cấm như vậy. "Khi hình thức "thuê ngoài" không bị cấm, điều đó có nghĩa không có an ninh việc làm dành cho người lao động Indonesia" - ông Said Iqbal, chủ tịch Liên đoàn Các nghiệp đoàn lao động Indonesia, bình luận.
Luật mới cũng bỏ đi quy định ít nhất 30% diện tích rừng của các đảo phải được duy trì và cho chính quyền trung ương thêm nhiều quyền lực trong phân tích tác động với môi trường. Luật thậm chí cắt giảm chế độ nghỉ thai sản và kinh nguyệt của phụ nữ.
Nói chung, người lao động và các nhà hoạt động cho rằng luật mới quá ưu ái cho các doanh nghiệp, buông lỏng các biện pháp hạn chế để bảo vệ môi trường và tước đi quyền lợi của người lao động.
Luật mới ưu ái chủ doanh nghiệp?
Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng các luật hiện hành của Indonesia cản trở đầu tư.
Cụ thể, họ cho biết luật lao động của xứ sở vạn đảo đòi hỏi các gói trợ cấp thôi việc quá hào phóng khiến khó sa thải và thuê người lao động. Luật mới tìm cách thay đổi vấn đề này và tạo điều kiện thuận lợi để Indonesia thu hút đầu tư.
Luật mới dài 905 trang, gồm 15 chương, trong đó có các sửa đổi đối với 79 luật hiện hành như Luật lao động, Luật thuế và các luật quan trọng khác. Ông Joko Widodo - vốn xem luật mới là nền tảng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai - tuyên bố sẽ cải thiện vị trí của Indonesia trong bảng xếp hạng về môi trường thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Báo Nikkei (Nhật Bản) lưu ý Indonesia hiện đang đứng sau Việt Nam trong bảng xếp hạng này và đây là một điều mà Jakarta đang lo trong bối cảnh các nước cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư đang di dời khỏi Trung Quốc.
Ông Bahlil Lahadalia, trưởng ban điều phối đầu tư của Chính phủ Indonesia, nói rằng có 153 công ty đã sẵn sàng đầu tư vào Indonesia khi luật mới có hiệu lực, giúp tạo ra việc làm.
Còn Tổng thống Widodo nói rằng nếu giới chỉ trích không đồng ý với luật mới, họ nên thách thức luật này tại Tòa án Hiến pháp Indonesia. Và hiện các nghiệp đoàn, các nhóm Hồi giáo đang muốn thách thức luật mới tại tòa án, trong khi một số lãnh đạo vùng công khai phản đối luật.
Theo tuoitre