leftcenterrightdel
 Hệ thống phân tầng bất thành văn chủ yếu dựa trên chủng tộc và màu da vẫn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. Nguồn: Hyein Amber Kim

Khảo sát do Uỷ ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc thực hiện năm 2020 cho thấy, gần 45% số người nước ngoài được hỏi khẳng định có sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử khi họ sinh sống ở nước này.

Kim Seok Ho, giáo sư Xã hội học của Đại học quốc gia Seoul, viết về thực trạng này trong báo cáo năm 2019: "Khoảng cách xã hội của người Hàn Quốc với những người từ quốc gia khác không hề thay đổi trong 10 năm. Từ năm 2008 đến năm 2018, người dân dễ hòa nhập với người Mỹ và châu Âu, trong khi xa cách với người Trung Quốc và Đông Nam Á".

Kim cho rằng, người dân có xu hướng chào đón người da trắng đến từ các nước phát triển hơn các quốc gia có nền kinh tế chưa tương xứng. "Những người có nền tảng kinh tế và giáo dục cao như Nhật Bản, người châu Âu, châu Mỹ thường được ưa thích", ông nói.

Trong cuộc khảo sát khác với 207 cư dân nước ngoài tại Hàn Quốc do tờ nhật báo Segye Ilbo thực hiện cho kết quả 66% người da màu khẳng định họ bị phân biệt đối xử, 30% người châu Á đồng tình và chỉ có 1,4% người da trắng nói từng trải qua cảm giác này.

Như trường hợp của Chirs Legg, một giáo viên tiếng Anh đến từ Canada, đang làm việc tại Gunsan, tỉnh Jeolla Bắc. Nam giáo viên 35 tuổi mô tả người Hàn Quốc rất thân thiện và nhiệt tình, đồng thời khẳng định chưa bao giờ nhận thấy sự phân biệt chủng tộc nào từ khi đến định cư. "Tôi đã sống ở Hàn Quốc khoảng 15 tháng và cuộc sống rất tốt. Ngay cả những người xa lạ đều chào đón và tử tế với tôi", Legg chia sẻ.

Một số học giả có những nghiên cứu sâu hơn và cho rằng, người Hàn Quốc đã tạo ra sự phân biệt với những người trông khác họ. Thậm chí một số người còn đưa ra cấu trúc thứ bậc cụ thể, để minh chứng rõ hiện tượng trên.

Hyein Amber Kim, giáo sư Đại học State, New York, đã lập ra kim tự tháp ba tầng về hệ thống này và cho biết màu da có mối liên hệ chặt chẽ với tư tưởng phân biệt chủng tộc ở Hàn Quốc. Ông cho rằng trật tự chủng tộc ban đầu chỉ phân biệt người Hàn Quốc và những người ngoại quốc, nhưng làn sóng lao động nhập cư từ những năm 1990 đã phân thành ba cấp: Cấp thượng đẳng là người gốc Hàn Quốc; cấp trung lưu: người nhập cư Đông Á và cấp thấp: người da màu.

"Ai có màu da càng giống người Hàn Quốc sẽ dễ tiếp cận với quyền lực và đặc quyền. Nói cách khác, bạn càng trông giống người bản địa sẽ càng ít bị phân biệt đối xử", Kim nói và giải thích việc ưa thích người có làn da sáng bởi ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Do đó, những người lao động nhập cư đến từ các quốc gia đang phát triển đã phải chịu sự đối xử khắc nghiệt hơn so với người da trắng.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng nhà chức trách Hàn Quốc cần nhận thức được phân biệt chủng tộc đang tồn tại là một vấn đề không thể bỏ qua.

Theo vnexpress