Thủ đô Male nhìn từ bến phà
Nằm ở phía Nam của Ấn Độ Dương, Maldives được tạo thành bởi 1.192 đảo san hô lớn nhỏ. Những hòn đảo này chia thành hai loại: đảo dân sinh - nơi cư dân địa phương sinh sống và đảo resort - do chủ tư nhân thuê dài hạn từ chính phủ và mở resort trên đó. Bỏ qua những resort lộng lẫy, chúng tôi quyết định tận hưởng kỳ nghỉ trên các đảo dân sinh, để hòa mình vào cuộc sống bản địa nơi đây.
Male - Thủ đô bé nhỏ đầy sắc màu
Có diện tích chỉ vỏn vẹn 6 km2, Male là thủ đô nhỏ nhất thế giới và là hòn đảo có mật độ dân số cao thứ năm trên thế giới. Tuy nhỏ bé nhưng Male lại mang trong mình nhịp sống sôi động đầy sắc màu.
Đường phố luôn rộn ràng tiếng nói cười và tiếng của những chiếc xe máy qua lại. Người dân Male rất thích chạy xe máy dù giá một chiếc xe nhập khẩu từ đất liền không hề rẻ. Dạo bước trên con đường lát đá, tôi còn ấn tượng với những ngôi nhà được sơn phết sặc sỡ. Chỉ một đoạn phố ngắn mà có ít nhất mười màu sơn chói lọi khác nhau, hệt như bảng màu của một họa sĩ vui tính. Sắc màu trên những mảng tường đã mang đến hơi thở trẻ trung cho nhịp sống Male bên cạnh nét tôn nghiêm của các công trình tôn giáo.
Nằm cạnh quảng trường chính, đền thờ Hồi giáo Islamic Center là đền thờ lớn nhất của Maldives và cũng là một trong những đền thờ lớn nhất ở Nam Á. Đền được xây dựng với sự giúp đỡ từ các quốc gia vùng Vịnh, Pakistan, Brunei, Malaysia và mở cửa vào năm 1984. Kiến trúc gây ấn tượng bởi sự giản đơn thanh thoát với những bức tường đá cẩm thạch trắng trơn, hầu như không có họa tiết trang trí. Đặc biệt, mái vòm vàng của đền thờ đã trở thành một biểu tượng của thủ đô Male. Khi phà chuẩn bị cập bến thành phố, bạn có thể nhìn thấy mái vòm kiêu hãnh lấp lánh trong ánh nắng.
Ở Male, tôi còn tìm thấy "kho báu niềm vui" trong những khu chợ đông vui bên bến cảng. Chợ nông sản đầy ắp các loại hoa trái nhiệt đới được chuyển đến từ các đảo lân cận. Bác bán hàng nhiệt tình mời tôi nếm thử một loại trái cây lạ và nở nụ cười thật tươi khi tôi đưa máy ảnh lên chụp.
Khu chợ cá luôn tấp nập người trên bến dưới thuyền và lao xao tiếng mặc cả những mẻ cá ngừ tươi rói. Giọt mồ hôi trên gương mặt đen sạm vì nắng gió không làm nhòa đi niềm vui thu hoạch của những người ngư dân. Không nguồn nước ngọt, đất trồng trọt ít ỏi, cuộc sống của người Maldives phụ thuộc hoàn toàn vào biển cả. Biển cung cấp nguồn cá dồi dào, đặc biệt là cá ngừ, giúp duy trì sự sống của họ. Người Maldives khi xưa còn dùng huyết cá ngừ săn được làm nước uống. Ngày nay, cá ngừ Maldives là sản phẩm chất lượng có tiếng, được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Tờ tiền 20 Rufiyaa (đồng tiền bản địa của Maldives) cũng in hình người ngư dân và hai con cá ngừ, cho thấy tầm quan trọng của ngành nghề này.
Villingili - Khoảng trời bình yên
Cách thủ đô Male chỉ mười phút đi phà nhưng Villingili là mảnh trời riêng, thanh bình và tĩnh tại. Vì ít trò vui nên Villingili có thể khiến du khách chán ngán sau một ngày (hình thức giải trí khả dĩ là thuê tàu ngầm khám phá hệ động thực vật hải dương). Nhưng cũng có một số ít người, như tôi, trót yêu nhịp sống dung dị và bình yên ở nơi đây. Yêu sân bóng nhỏ nơi các em học sinh vui đùa huyên náo cả một góc, yêu cảnh hai ông bà cụ ngồi trước hiên nhà rợp bóng cây, yêu thánh đường Hồi giáo nhỏ rì rầm tiếng cầu nguyện mỗi tối. Yêu cả buổi chiều trên cầu cảng lộng gió, nơi tiếng đàn hát của chàng trai trẻ làm đôi má cô gái thêm ửng hồng. Nếu ở trong những resort sang trọng, có lẽ tôi đã không có cơ hội trải nghiệm những điều bình dị này.
Ở khách sạn, chúng tôi làm quen với một anh bạn người Mỹ, hiện làm việc cho một ngân hàng lớn tại New York. Anh tâm sự đã ở trên đảo hai tuần và vẫn chưa muốn rời đi. Với một người sống ở nơi mà áp lực lớn nhất là thời gian thì những giây phút thư thả, chậm rãi như thế này thật quý giá.
Buổi bình minh rực rỡ ở Villingili
Khoảnh khắc bình minh tuyệt đẹp ngày hôm sau là món quà mà Villingili dành cho chúng tôi, những người yêu mến hòn đảo. Thành phố Male ngoài xa vẫn còn ngái ngủ, những âm thanh khẽ khàng chưa đủ để đánh thức ngày mới. Đâu đó chỉ nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ và tiếng một vài ngư dân câu cá. Không gian chỉ bắt đầu chuyển mình từ thời khắc mặt trời từ từ trồi lên phía đường chân trời. Trên bức nền mờ ảo hơi sương, mặt trời phết lên những vệt màu cam vàng đầy phóng khoáng. Ngay cả mặt nước cũng không ánh lên sắc lam ngọc như thường ngày mà được dát lên thứ ánh sáng rực rỡ. Tất cả cảnh vật đều đắm mình trong sắc vàng huy hoàng ấy và những thanh âm đầu tiên cũng bắt đầu lao xao trong không gian. Maldives thức giấc cho một ngày mới...
Maafushi và những con người thân thiện
Chúng tôi quay về Male để đón phà đi đảo Maafushi. Khác với Villingili, phà từ Male đến Maafushi chỉ có một chuyến duy nhất khởi hành lúc 15h và đi trong một tiếng rưỡi.
Ở Maafushi, chúng tôi nghỉ tại Stingray Beach Inn. Khách sạn khá mới, bài trí hiện đại, có cả bồn sục jacuzzi và nhà hàng rooftop. Nhưng điều khiến du khách đánh giá cao nơi này chính là sự thân thiện và nhiệt tình. Phà vừa cập bến, đã thấy Ali, anh chàng lễ tân và một số nhân viên đứng đợi sẵn. Họ giúp chúng tôi khuân hành lý về khách sạn, trên đường hỏi han đủ thứ và trò chuyện rất vui vẻ.
Không chỉ nhân viên mà ngay cả ông chủ khách sạn cũng rất nhiệt tình và cởi mở. Khi mới gặp, tôi đã tưởng Ibrahim là nhân viên bởi không nghĩ rằng, một ông chủ lại thân thiện đến vậy. Một người đàn ông trung niên, nước da sẫm màu đặc trưng, luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi của khách với nụ cười trên môi. Bằng cách đón chào những người bạn đến từ khắp bốn phương, Ibrahim hiểu thêm về thế giới lớn rộng đầy sắc màu và ông cũng tự hào kể cho họ về hòn đảo nơi ông đang sống.
Ibrahim và nhóm chúng tôi.
Cuộc sống trên đảo Maafushi hiện lên đầy sinh động qua câu chuyện của Ibrahim. Maafushi là một trong những nơi đầu tiên hưởng ứng chính sách của chính phủ, theo đó cho phép mở nhà nghỉ, khách sạn trên các đảo dân sinh. Số lượng cơ sở lưu trú tăng lên qua mỗi năm, phần lớn do chính cư dân trên đảo đầu tư xây dựng. Trên đảo còn có nhà hàng, quán cà phê, điểm bán tour, cửa hàng đồ lưu niệm, và một bãi biển được quây kín đáo để du khách có thể diện bikini. Trong những năm gần đây, Maafushi đang dần trở thành điểm đến hút khách du lịch.
Tuy nhiên, Maafushi cũng như những hòn đảo khác ở Maldives đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Năm 2004, một trận động đất - sóng thần càn quét qua đất nước, gây nhiều thiệt hại về người và của và làm thay đổi địa lý của các vùng san hô. Thảm họa đã ảnh hưởng đến một phần ba dân số Maafushi lúc bấy giờ. Hiện nay, Maafushi vẫn bị đe dọa bởi tình trạng nước biển xâm thực. Chỉ trong vòng năm năm, đã có 30 - 40 m đường bờ biển bị mất. Sẽ thật buồn nếu một ngày nào đó, hòn đảo xinh đẹp này biến mất trên bản đồ...
Bến tàu ở Maafushi
Nhờ có Ibrahim mà chúng tôi đã có những trải nghiệm đầy ắp tiếng cười ở Maafushi, đúng như lời khẳng định chắc nịch của ông: "Các bạn rồi sẽ nhớ mãi những ngày ở nơi đây". Ngày cuối cùng, Ibrahim tiễn chúng tôi ra tận bến phà để về lại Male. Anh bạn Ali còn tặng mỗi người hai tấm postcard làm kỷ niệm. Qua những ngày ở Maldives, suy nghĩ về người Hồi giáo khó gần và sống khép kín tan biến hết.
Kỳ nghỉ của tôi ở Maldives đã trôi qua thật đáng nhớ dù chẳng có những hình ảnh lung linh thường thấy trên những tấm poster. Tôi vẫn nhớ lời hứa của Ibrahim, rằng lần tới khi quay lại, chúng tôi sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị hơn nữa.
- Thời gian lý tưởng nhất để đến Maldives là từ tháng Mười Một đến tháng Tư năm sau. Mùa mưa từ tháng Sáu đến tháng Chín là thời gian thấp điểm, giá dịch vụ có thể giảm đến 50%. - Maldives miễn visa cho du khách Việt Nam. - Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng sang Maldives nên các bạn phải transit qua nước thứ ba (thường là Thái Lan, Malaysia hoặc Singapore). Nếu dư dả thời gian, bạn có thể ghé chơi thêm Sri Lanka. - Giữa các đảo của Maldives có phà công cộng với giá rất rẻ. Nhược điểm là khá mất thời gian và đôi khi bất tiện vì ít chuyến/ngày và có ngày không có phà (như thứ 6). - Ở Maldives chấp nhận thanh toán bằng cả đô la Mỹ (USD) và Rufiyaa (đồng bản địa, ký hiệu là MVR, 1 USD = 15 MVR). Bạn nên đổi một ít tiền Rufiyaa để tiêu cho các món đồ lặt vặt và giữ lại làm kỷ niệm. - Ngày thứ 6 không có phà công cộng đi lại giữa các đảo. Nhà hàng, siêu thị, cửa hàng ở Male cũng không hoạt động từ sáng đến giữa buổi chiều thứ 6. |
Theo ngoisao