Mưa bão và lũ lụt ở châu Á khiến hơn 250 người thiệt mạng trong tuần qua
Cập nhật lúc 18:12, Thứ hai, 05/08/2024 (GMT+7)
Mưa bão và lũ lụt tuần qua đã khiến ít nhất 250 người tử vong ở khắp châu Á, với đa số nạn nhân ở Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi Pakistan và CHDCND Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng.
|
|
Người dân Ấn Độ được sơ tán khỏi Kerala. (Ảnh: Reuters) |
Ấn Độ ghi nhận con số thiệt hại về người nhiều nhất, với 201 người thiệt mạng và gần 200 người mất tích. Mưa lớn gây dòng bùn và nước lũ tràn qua các vườn chè và làng mạc ở bang Kerala miền Nam Ấn Độ từ ngày 30/7, phá hủy các cây cầu và san phẳng nhiều nhà cửa.
Tại Pakistan, lượng mưa kỷ lục trút xuống thành phố Lahore gây ngập lụt đường phố và làm ít nhất 3 người thiệt mạng ngày 1/8. Một số khu vực ở bang này ghi nhận lượng mưa lên tới 353mm trong vài giờ, vượt qua mức cao nhất trong vòng 44 năm trở lại đây.
Tại Trung Quốc, 48 người thiệt mạng, 35 người mất tích do bão trong tuần qua, dù bão Gaemi đã suy yếu thành bão nhiệt đới. Trước đó, cơn bão này lần lượt quét qua Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan của Trung Quốc đã khiến 40 người thiệt mạng.
Tại Triều Tiên, mưa làm ngập 4.100 căn nhà, 3.000 ha đất nông nghiệp và nhiều tòa nhà công cộng, đường xá và đường tàu.
Tại Myanmar, hơn 209.000 người từ hơn 50.000 hộ gia đình đã phải di dời vì lũ lụt kể từ cuối tháng 6.
Đài phát thanh và truyền hình Myanmar cho biết, nước này đã trải qua lũ lụt, chủ yếu là do mưa lớn và mực nước sông dâng cao, tại 10 khu vực và tiểu bang.
Còn tại miền Bắc Việt Nam, trong tháng 6-7/2024, tổng lượng mưa cao hơn nhiều so với dự báo đã gây lũ lớn, sạt lở đất làm 48 người chết, 12 người mất tích.
Trong một diễn biến khác, nhiệt độ bề mặt trên khắp các dải băng lớn ở Nam Cực đã tăng trung bình 10 độ C so với mức bình thường trong tháng 7. Vào một số ngày, nhiệt độ tại Nam bán cầu vượt mức 28 độ C.
Theo tờ The Guardian, đợt nắng nóng này là đợt nắng nóng thứ 2 tấn công khu vực trong vòng hai năm qua. Đợt gần đây nhất là vào tháng 3/2022 khi mức nhiệt tăng đột biến lên tới 39 độ C và khiến một phần lớp băng lâu đời sụp đổ. Các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân khiến nhiệt độ Nam Cực tăng cao vào tháng 7 là do hiện tượng El Nino.
Theo thoidai