leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Gia Liêm - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).

Ông Nguyễn Gia Liêm - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - thông tin với báo chí chiều 20/6 tại Hà Nội.

Tín hiệu thị trường lao động khởi sắc

Đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy, dưới tác động của tình hình Covid-19 trong 2 năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều này đã hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc. Doanh nghiệp phái cư lao động và người lao động Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi.

“Do chính sách phòng ngừa dịch bệnh, nhiều nước ngoài thực hiện chính sách “đóng cửa” với lao động nước ngoài, giai đoạn năm 2020-2021, số lao động các doanh nghiệp đã tuyển và chờ xuất cảnh lên tới hơn 80.000 người, trong đó Nhật Bản khoảng 60.000 người”, Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Cũng theo Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhiều người lao động đã được tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài nhưng không xuất cảnh được do Covid-19. Điều này đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của bản thân và gia đình người lao động. Một bộ phận người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống.

Sau thời kỳ bùng phát, tình hình dịch Covid-19 đã có nhiều dấu hiệu "hạ nhiệt", đặc biệt là thời điểm giữa năm 2022. Điều này kéo theo nhiều tín hiệu tốt trong phát triển thị trường lao động ngoài nước. Trong 6 tháng của năm 2022, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài đạt 51.677 người, trong đó có 19.849 lao động nữ.

Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm, công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam và các nước, chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi thích ứng để phục hồi phát triển kinh tế, trong đó có việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài.

“Thị trường Hàn Quốc, thị trường lao động Đài Loan đã mở lại. Nhật Bản cũng bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 01/2021) và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua”, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.

Bên cạnh các thị trường lao động truyền thống, Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước, như: CHLB Đức, Liên bang Nga, Israel và một số thị trường Châu Âu khác.

Đẩy mạnh nhiều hoạt động từ đầu năm 2022

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 28/3/2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia ký Bản Ghi nhớ về Chương trình lao động nông nghiệp.

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác này, dự kiến Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 người/năm, mức lương cơ bản (chưa trừ phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52.800.000-66.000.000 VNĐ/tháng).

Cũng trong tháng 3/2022, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký kết Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đàm phán Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam với một số quốc gia tiếp nhận lao động; phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 về việc tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Bên cạnh đó, Bộ triển khai việc tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình 3 Bên cùng có lợi (DOLAB-GIZ-ZAV) và tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) - hiện đang nhận hồ sơ Khóa 11, thời hạn đến 31/10/2022.

Theo thoidai