"Những hạn chế mới nhất sẽ có hiệu lực từ đêm 16/3", Pence phát biểu trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington D.C., thêm rằng lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cho biết ông cũng đang xem xét một số hạn chế đi lại trong nước. Trump cùng nhóm phụ trách chiến dịch của ông đã hủy một số sự kiện trong tuần qua khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ.

Lệnh cấm đi lại bổ sung của Mỹ có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lên ngành hàng không vốn chịu nhiều tổn thất vì Covid-19. Những nhà vận động hành lang đã bày tỏ lo ngại với các trợ lý quốc hội và chính quyền về tác động nặng nề của dịch bệnh.

Nhà Trắng đang xem xét đưa ra các khoản vay lãi suất thấp hoặc hoãn thuế cho ngành hàng không để giúp họ vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, song không rõ các biện pháp này có đủ hỗ trợ cho các công ty hay không.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp ở Nhà Trắng, Washington, hôm 14/3. Ảnh: AFP.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp ở Nhà Trắng, Washington, hôm 14/3. Ảnh:AFP.

Trump hôm 11/3 tuyên bố cấm người đến từ hầu hết các nước châu Âu trong 30 ngày kể từ đêm 13/3. Lệnh cấm có hiệu lực với 26 quốc gia thuộc khối Schengen, không gồm Anh và Ireland.

Giới chức châu Âu đã phản ứng giận dữ với lệnh cấm đi lại của Trump, cho biết họ không hề được hỏi ý kiến hay nhận được thông báo từ trước. Nhiều nhà phê bình cũng đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả của lệnh cấm trong thời điểm dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng.

Tổng thống Mỹ đã làm xét nghiệm và được xác nhận âm tính với nCoV sau khi tiếp xúc với một số người nhiễm bệnh thuộc phái đoàn của Tổng thống Brazil tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hồi tuần trước.

Covid-19 xuất hiện tại 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 156.000 người nhiễm, hơn 5.800 người chết và hơn 75.000 người bình phục. Mỹ ghi nhận hơn 2.800 ca nhiễm, 57 người tử vong và khoảng 50 người bình phục. Trump hôm 13/3 đã tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia.

 

Theo vnexpress