Theo Washington Post, chính phủ Mỹ đang tích cực đàm phán với Facebook, Google cùng một loạt công ty công nghệ và chuyên gia y tế hàng đầu nước này nhằm sử dụng dữ liệu vị trí đã thu thập được để ngăn chặn Covid-19 bùng phát, trong đó gồm cả việc theo dõi khoảng cách từng người.
|
Mỹ đang hợp sức với các công ty công nghệ nhằm khai thác dữ liệu vị trí cho ngăn chặn Covid-19. Ảnh:Shutterstock. |
"Chúng tôi được khuyến khích cùng các công ty công nghệ Mỹ nhằm đưa ra dữ liệu tổng hợp dựa trên vị trí ẩn danh để mô hình hóa Covid-19", một quan chức giấu tên thuộc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, tiết lộ.
Ba nguồn tin khác cho biết, các chuyên gia y tế công cộng muốn những công ty thuộc khu vực tư nhân có thể biên dịch dữ liệu vị trí dưới dạng tổng hợp và buộc ẩn danh, sau đó sử dụng để lập bản đồ lây nhiễm. Dự án hiện ở giai đoạn đầu.
Một số chuyên gia đánh giá, việc phân tích dữ liệu vị trí, chủ yếu thông qua smartphone, là công cụ mạnh mẽ trong việc theo dõi sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cách tiếp cận khiến không ít người Mỹ khó chịu do có thể vi phạm quyền riêng tư. Do đó, nhiều nguồn nhấn mạnh rằng nếu tiến hành, họ sẽ không xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của chính phủ.
Trong một số cuộc phỏng vấn gần đây, đại diện Facebook đều cho biết chính phủ Mỹ đang đặc biệt quan tâm đến "mô hình chuyển động của mọi người" thông qua nguồn dữ liệu mà mạng xã hội này thu thập được.
Một báo cáo trước đó cũng cho biết, chính quyền Mỹ đã thành lập một nhóm đặc nhiệm gồm Giám đốc công nghệ, doanh nhân và nhà đầu tư nhằm đưa ra ý tưởng về một loại "bản đồ dịch bệnh" hôm 15/3. Nhóm này có cả các "ông lớn" như Apple, Google, công ty đầu tư Hangar (có trụ sở tại New York), nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon Ron Conway, lãnh đạo y tế công cộng từ Đại học Harvard...
"Chúng tôi đang trong quá trình thu thập ý tưởng, đề xuất và hành động. Mọi thứ sẽ được trình bày tại Nhà Trắng những ngày tới", Josh Mendelsohn, đối tác quản lý tại Hangar, cho biết. Trong khi đó, Apple từ chối bình luận, đồng thời khẳng định không thu thập vị trí người dùng iPhone.
Sự hợp tác cấp bách giữa chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ từ Thung lũng Silicon được đánh giá là "chưa từng có" và điều này là cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh hiểm nghèo Covid-19 đang lây lan. Thực tế, trong tuần qua, các quan chức Nhà Trắng, đứng đầu bởi Giám đốc công nghệ Michael Kratsios, đã triệu tập một số cuộc họp với Amazon, Apple, Facebook, Google, IBM... nhằm khuyến khích các công ty này tiếp cận mạnh mẽ hơn trên nền tảng của mình, từ đó ngăn chặn thông tin sai lệch về dịch bệnh hoành hành.
Tuy nhiên, các mối quan hệ không phải là không gặp trục trặc. Hôm 13/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố 1.700 nhân viên Google đang phát triển một trang web để người Mỹ có thể cập nhật Covid-19 và tìm nơi xét nghiệm gần nhất. Tuy vậy, Google lại có thông báo ngược lại, khi dự án này chỉ có quy mô nhỏ và áp dụng hạn chế tại một số tiểu bang.
Những nỗ lực mới của Washington và Thung lũng Silicon diễn ra cùng lúc với một nhóm độc lập khác gồm hàng chục kỹ sư, giám đốc điều hành và nhà dịch tễ học kêu gọi doanh nghiệp tại Mỹ có trách nhiệm lớn hơn trong việc chống lại Covid-19. Trong đó, nhóm này khuyến khích Apple và Google "mở" các tính năng về bảo mật và quyền riêng tư nhằm cho phép cơ quan chức năng giúp bác sĩ xác định những ai nhiễm Covid-19 hoặc đã tiếp xúc với người đã dương tính với bệnh này.
Tuy vậy, những người ủng hộ quyền riêng tư hoài nghi về việc sử dụng dữ liệu vị trí cho những mục đích khác nhau, kể cả dùng cho việc ngăn chặn Covid-19, đồng thời kêu gọi chính phủ ra các điều luật nghiêm ngặt hơn.
"Sự cân bằng giữa chính sách về quyền riêng tư và đại dịch là một vấn đề tế nhị", Al Gidari, giám đốc quyền riêng tư tại Trung tâm Internet và Xã hội của Trường Luật Stanford, viết trên Twitter. "Đây không phải là một kỳ thi tại trường học. Công nghệ có thể cứu được mạng sống của con người, nhưng nếu việc thực thi tạo nên sự đe dọa quyền riêng tư một cách vô lý, cuộc sống nhiều người có thể gặp rủi ro".
Không chỉ Mỹ, Israel gần đây cũng áp dụng hình thức tương tự để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, theo New York Times. Dữ liệu vị trí được thu thập từ smartphone, sau đó dùng để truy xuất hành trình di chuyển của những ai đã dương tính với virus corona nhằm xác định những người liên quan và cảnh báo cho họ qua tin nhắn điện thoại. Hiện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ủy quyền cho Shin Bet, cơ quan an ninh nội bộ của Israel, lấy thông tin vị trí người dân từ các nhà mạng trong nước (từ 2002) để phục vụ dự án.
Theo thống kê mới nhất, Covid-19 xuất hiện tại 50 bang của Mỹ với số ca nhiễm đã tăng vọt lên 6.437 với 109 người chết. Trong khi đó, Israel có 324 người nhiễm, chưa có tử vong.
Theo vnexpress