"Hoàn toàn không có bằng chứng cho cáo buộc đó. Tôi nghĩ nó là một trong các dạng thuyết âm mưu mà chúng ta thường nghe. Bất cứ khi nào chúng ta đối mặt với khủng hoảng, luôn xuất hiện các thuyết âm mưu", Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci nói với NBC hôm 9/4, đề cập đến một số thông tin cho rằng số liệu tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã bị thổi phồng.

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 8/4. Ảnh: AFP.

Fauci, thành viên nhóm ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, cảnh báo rằng những thuyết âm mưu vô căn cứ như vậy đang lan truyền ở Mỹ, đặc biệt là sau khi chúng được một số người có ảnh hưởng trong truyền thông cánh hữu ủng hộ.

Mỹ hiện ghi nhận hơn 461.000 người nhiễm nCoV và hơn 16.478 người chết, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Số người chết tại nước này tăng hơn hai lần trong tuần qua, trong đó bang New York tiếp tục là điểm nóng với hơn 151.000 ca nhiễm, cao hơn vùng dịch lớn thứ hai thế giới là Tây Ban Nha với hơn 148.000 ca nhiễm.

Các chuyên gia y tế công cộng chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump vì thiếu chuẩn bị để ứng phó với Covid-19. Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu xét nghiệm và thiết bị, khiến các bệnh viện bị quá tải, các bang tuyệt vọng tranh giành máy thở, khẩu trang và quần áo bảo hộ.

Tuy nhiên, một số người có ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông ủng hộ Trump lại hoài nghi về số liệu tử vong chính thức do nCoV tại Mỹ, cho rằng nó bị bóp méo vì mục đích chính trị bằng cách đưa những người chết vì nguyên nhân khác vào thống kê.

Nhà báo Brit Hume của Fox News đăng trên Twitter rằng số người chết ở New York "bị thổi phồng", đồng thời nói trên truyền hình tối 7/4 rằng bất cứ ai nhiễm nCoV khi qua đời đều được tính vào danh sách ca tử vong, bất chấp điều này có thể sai.

Phát thanh viên Rush Limbaugh, người được Trump trao huy chương tự do của tổng thống, từng bác bỏ quan điểm nói rằng Covid-19 giống "cúm thường". Song Limbaugh gần đây lại đặt câu hỏi "liệu có phải chúng ta đang thống kê những người không phải chết vì nCoV vào thống kê ca tử vong Covid-19 hay không?".

Trump thường xuyên nhắc lại những quan điểm được nêu trên Fox News, ví dụ từng phủ nhận thống kê về 3.000 người chết tại Puerto Rico sau cơn bão Maria hồi năm 2017. Tuy nhiên, Trump lần này chưa bày tỏ hoài nghi về số liệu trong báo cáo chính thức Covid-19 và nói ông nghĩ "các bang đưa ra số liệu tương đối chính xác về số người chết".

Điều phối viên nhóm ứng phó với nCoV của Nhà Trắng Deborah Birx nói một người nhiễm nCoV nhập viện để điều trị Covid-19 và có bệnh lý nền khiến họ qua đời sẽ được tính là ca tử vong vì virus. Điều này khác tuyên bố của nhà báo Hume rằng người chết vì bất cứ lý do gì cũng được tính vào số liệu nếu họ nhiễm nCoV.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 90% người nhập viện vì nCoV có ít nhất một bệnh lý nền. Người da màu và người cao tuổi nhập viện nhiều hơn do họ có tỷ lệ mắc các bệnh khác cao, bao gồm tiểu đường, huyết áp hoặc các vấn đề về hô hấp.

Số người chết vì nCoV tại Mỹ trên thực tế có khả năng cao hơn nhiều so với dữ liệu chính thức chứ không bị thổi phồng. CDC thừa nhận dữ liệu số người chết trong báo cáo chính thức thấp hơn thực tế do họ chỉ ghi nhận ca tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Các chuyên gia dịch tễ học nói tình trạng thiếu hụt xét nghiệm tại Mỹ khiến nhiều người chết không được tính vào số ca tử vong vì nCoV, những người chết tại nhà hoặc viện dưỡng lão hiện nay cũng không được xét nghiệm.

Hơn 200 người chết tại nhà mỗi ngày trong đại dịch tại thành phố New York và cao hơn tỷ lệ thông thường, giới chức thành phố cho biết. Thị trưởng New York Bill de Blasio ước tính khoảng 100-200 người qua đời tại nhà mỗi ngày ở thành phố không được tính vào số ca tử vong vì nCoV.

Chính phủ Mỹ khẳng định tổng số người chết tương đối chính xác. "Tôi cho rằng có nhiều khả năng thống kê thiếu người chết vì nCoV. Tuy nhiên, tôi không tin số đó đủ đáng kể để làm thay đổi các xu hướng mà chúng ta đang thấy", Fauci nói.

Theo vnexpress