Novavax hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cuộc đua nghiên cứu vaccine Covid-19. Ngày 7/7, đại diện lãnh đạo chiến dịch "Operation Warp Speed" công bố tài trợ số tiền lớn nhất từ trước tới nay cho dự án nghiên cứu vaccine trị giá 1,6 tỷ USD của Novavax, trích từ nguồn quỹ của chính phủ Mỹ.

Hiện tại, chưa có hãng dược độc lập nào nhận được gói tài trợ tương tự. Số tiền này cho phép Novavax tiếp tục các nghiên cứu và chuẩn bị cho việc sản xuất đủ 100 triệu liều vaccine sớm nhất có thể. Vào tháng 5, công ty công nghệ sinh học này cũng nhận về khoản đầu tư trị giá 388 triệu USD từ Liên minh sáng kiến đối phó dịch bệnh (CEPI), đây cũng là mức đầu tư lớn nhất vào thời điểm đó.

Ngoài Novavax, nguồn quỹ của chính phủ Mỹ còn đang rót vốn đầu tư vào một số công ty dược phẩm khác như Johnson & Johnson, Merck & Co., Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Sự đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và điều chế vaccine, biến một quá trình hoàn thiện vaccine diễn ra trong vài năm xuống còn vài tháng.

Nguồn quỹ trên sẽ giúp Novavax bắt đầu giai đoạn cuối cùng của quá trình nghiên cứu vaccine vào mùa thu năm nay, với khoảng 30.000 tình nguyện viên tham gia vào cuộc thử nghiệm. "Ứng viên" vaccine của công ty sẽ thúc đẩy cơ thể sinh ra các kháng thể. Sau đó chúng sẽ khóa các "protein gai" của nCoV, từ đó ngăn chặn sự lây nhiễm của virus lên tế bào vật chủ.

Novavax là công ty nhận được khoản đầu tư nghiên cứu vaccine nCoV lớn nhất từ chiến dịch Operation Warp Speed.

Novavax là công ty nhận được khoản đầu tư nghiên cứu vaccine nCoV lớn nhất từ chiến dịch "Operation Warp Speed". Ảnh: Novavax.

Một công ty khác là Regeneron Pharmaceuticals, cũng nhận được nguồn đầu tư trị giá 450 triệu USD từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Y sinh. Công ty này dự kiến sử dụng số tiền tài trợ để nâng cấp nguồn lực cung ứng các kháng thể được dùng trong việc phòng chống lây nhiễm.

Các nhà phân tích đang chờ đợi kết quả từ chương trình nghiên cứu của Regeneron vào quý III. Trong khi Novavax dự kiến sẽ công bố kết quả vào cuối tháng này nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ và đúng tiến độ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện thế giới có khoảng 140 loại vaccine nCoV đang được nghiên cứu và phát triển bởi những công ty dược lớn và các trường đại học. Một số đơn vị nổi bật, sở hữu các "ứng viên" tiềm năng, sáng giá như Moderna, Pfizer và Đại học Oxford đã bắt đầu các nghiên cứu, thử nghiệm vaccine trên người khỏe mạnh bình thường.

Bên cạnh hiệu quả ngừa bệnh, các chuyên gia còn chú trọng mức độ an toàn về mặt sức khỏe khi tiếp nhận mũi tiêm. Họ cho biết dù vaccine cho thấy hiệu quả nhưng không an toàn thì vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Ngược lại, theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), nếu chứng minh được sự an toàn nhưng mức độ hiệu quả chỉ đạt 50-70%, vaccine đó vẫn được ông phê duyệt lưu hành.

Theo vnexpress