Nam Phi vứt bỏ 2 triệu liều vaccine Covid-19
Cập nhật lúc 23:21, Thứ hai, 14/06/2021 (GMT+7)
Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Nam Phi ngày 13/6 tuyên bố không triển khai tiêm chủng đối với 2 triệu liều vaccine Johnson & Johnson sau sự cố nhiễm bẩn tại một nhà máy ở Mỹ.
Tuyên bố trên từ Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Nam Phi (SAHPRA) được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 12/6 thông báo với Johnson & Johnson rằng hàng triệu liều vaccine được sản xuất tại cơ sở Emergent BioSolutions của tập đoàn này ở thành phố Baltimore không thể sử dụng được.
Sau khi xem xét quyết định của FDA, SAHPRA ra tuyên bố nói rằng họ đã quyết định "không phát hành vaccine được sản xuất bằng cách sử dụng lô dược chất không phù hợp".
Vaccine Ccovid-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AP.
Nhà máy của Johnson & Johnson ở Baltimore được lệnh ngừng sản xuất vào tháng 4, vài tuần sau khi công ty này xác định các lô nguyên liệu dùng bào chế vaccine J&J bị để lẫn với thành phần sản xuất vaccine AstraZeneca.
FDA vẫn đang xem xét có cho phép nhà máy ở Baltimore mở cửa trở lại hay không.
Thừa nhận bước lùi trong chương trình tiêm chủng của Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Mmamoloko Kubayi-Ngubane nói rằng nước này có hai lô vaccine - tương ứng với khoảng hai triệu liều - được bảo quản trong một phòng thí nghiệm an ninh cao ở Port Elizabeth thuộc về nhà sản xuất thuốc Aspen - đối tác ở Nam Phi của Johnson & Johnson.
Nam Phi là một trong những quốc gia đang vận động từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 để cho phép tất cả quốc gia sản xuất các phiên bản chung với chi phí thấp.
"Nếu muốn cứu người và chấm dứt đại dịch, chúng ta cần mở rộng và đa dạng hóa sản xuất, đưa các sản phẩm y tế vào điều trị, chống lại và ngăn chặn đại dịch cho càng nhiều người càng tốt", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói tại cuộc họp với các nước G7 ở Anh hôm 13/6.
Nam Phi đang vật lộn với chương trình tiêm vaccine Covid-19 giữa lúc làn sóng thứ ba tấn công. Nước này mới chỉ tiêm chủng cho hơn một phần trăm dân số. Đây là quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 58.000 ca tử vong.
Theo Zing