Zyson Kang Zy Shun là học sinh Trường Tiểu học SJK (C) Pin Hwa 1 tại Malaysia. Em tham gia cuộc thi quốc tế Lunar Loo do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tổ chức.

Ban tổ chức cuộc thi yêu cầu thí sinh thiết kế nhà vệ sinh cho các nhà du hành vũ trụ, nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân ngoài không gian. Dự án nằm trong sứ mệnh đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 2024.

Đại diện NASA giải thích nhà vệ sinh không gian đã và đang được sử dụng trong Trạm Vũ trụ quốc tế nhưng chỉ trong môi trường vi trọng lực. Sáng kiến mới nhằm tìm kiếm nhà vệ sinh nhỏ và hiệu quả hơn, có thể sử dụng trong môi trường vi trọng lực và trọng lực Mặt Trăng.


                                                                           Zyson tham dự Hội chợ Khoa học tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia năm 2019. Ảnh: NST

Phát minh của Zysong mang tên "Spacesuit Lunar Toilet" là bộ đồ du hành vũ trụ, không cần điện hoặc pin, chủ yếu dùng động năng. Khi các phi hành gia di chuyển, nước tiểu sẽ chảy xuống thùng chứa trong ủng.

"Bộ đồ hoạt động bằng cách áp dụng khái niệm cơ - động học thủ công để tạo ra lực hút chân không, kết tinh nước tiểu và chất thải rồi loại bỏ an toàn", Zyson nói và cho hay bộ đồ không cần điện nên giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố trong không gian.

Ý tưởng nảy ra khi cậu bé tự hỏi "Làm thế nào các phi hành gia đi vệ sinh ngoài không gian?". Khi biết về cuộc thi do NASA tổ chức, em đã đăng ký tham dự.

Ngày 28/10, Zyson trình bày thiết kế với nhóm nhà khoa học tại NASA thông qua phần mềm trực tuyến. Em đã gây ấn tượng với ban giám khảo và giành giải cao nhất trong hạng mục Junior dành cho trẻ em.

Chong Soo Sheong, 43 tuổi, chuyên viên Trung tâm Khoa học I-Discovery World Kuala Lumpur, là người hướng dẫn Zyson thực hiện dự án. Soo Sheong cho biết phát minh của Zyson có thể áp dụng trong Y học. Trong Covid-19, khi vệ sinh, bác sĩ, y tá phải cởi đồ bảo hộ, nhưng với phát minh này họ không cần làm vậy.

Ông nhận xét sự kiên trì, cầu tiến đã giúp Zyson tạo dựng tên tuổi trong ngành Thiên văn học quốc tế. "Zyson đã làm việc nghiêm túc trong nhiều tháng liên tục và vượt qua nhiều câu hỏi, bài toán khó và cả sai sót tưởng như không thể sửa chữa được", Soo Sheong nói.