|
|
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đón Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Nhân dịp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã gửi bài đăng trên Báo Nhân Dân. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:
Trước chuyến thăm lần thứ năm tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi mong muốn qua trang Báo Nhân Dân, tờ báo có uy tín và ảnh hưởng, chia sẻ tầm nhìn của tôi về lịch sử, hiện trạng và tương lai của quan hệ đối tác Nga-Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của chúng tôi là sự kiện mang tính biểu tượng sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Nga và Việt Nam. Văn kiện mang tính chiến lược này đã mở ra những cơ hội to lớn để củng cố và phát triển tổng thể quan hệ song phương. Trong giai đoạn lịch sử mới, nó đã tạo xung lực mạnh mẽ để quan hệ Nga-Việt phát triển ngày càng năng động.
Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam và là người bạn lớn của đất nước chúng tôi chính là người khởi nguồn mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước chúng ta. Nước Nga luôn ghi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà yêu nước, nhà chính trị và chính khách kiệt xuất, người luôn kiên định bảo vệ chủ quyền và tự do của Tổ quốc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, năm ngoái, tượng đài tưởng niệm Người - Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam đã được khánh thành ở St. Petersburg nhân dịp kỷ niệm 100 năm Hồ Chí Minh đến thăm “thủ đô phương Bắc” của nước Nga.
Đất nước chúng tôi đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm. Sau khi Việt Nam giành chiến thắng và hoàn toàn giải phóng đất nước khỏi xâm lược, các chuyên gia xây dựng, kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo và nhà khoa học Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước. Họ đã làm được rất nhiều việc để xây dựng tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam và giúp Việt Nam giải quyết các nhiệm vụ xã hội ưu tiên.
Những truyền thống về tình đồng chí và tương trợ lẫn nhau được thử thách qua thời gian như vậy đóng vai trò là nền tảng vững chắc để tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Việt Nam là một nền văn minh lâu đời, rực rỡ và độc lập trong bức tranh toàn cảnh của một thế giới đa cực. Trên trường quốc tế, Hà Nội theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và ủng hộ mạnh mẽ trật tự thế giới công bằng dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
|
|
Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố St. Petersburg (Nga), tháng 6/2023. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN) |
Chúng tôi đánh giá cao việc hai nước chúng ta có cách tiếp cận tương đồng hoặc gần gũi về các vấn đề cấp thiết và quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. Hai nước chúng ta phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương then chốt, trước hết là Liên hợp quốc.
Chúng ta có những đánh giá tương đồng về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi coi Việt Nam cùng chung quan điểm về xây dựng một cấu trúc an ninh Á-Âu mới bình đẳng, không chia tách, bao trùm và không phân biệt đối xử.
Chúng tôi cảm ơn các bạn Việt Nam đã thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine và mong muốn thúc đẩy việc tìm kiếm con đường thiết thực giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình. Tất cả những điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần và bản chất mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.Điều quan trọng là cả hai nước đều thường xuyên quan tâm thực sự đến việc tăng cường thương mại song phương và khuyến khích đầu tư vào nhau.
Theo số liệu thống kê của Nga, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương tăng 8% và trong quý 1 năm nay tăng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Thực phẩm, nguyên liệu khoáng sản, máy móc, thiết bị của Nga được xuất khẩu sang Việt Nam. Nhiều mặt hàng Việt Nam, bao gồm quần áo, trái cây, rau quả và các sản phẩm nông nghiệp khác đã tìm được người tiêu dùng trên thị trường Nga. Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam ký kết năm 2015 đã tạo điều kiện củng cố và phát triển những xu hướng tích cực này. Hai nước chúng ta có khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ - Ruble Nga và Đồng Việt Nam.
Năm ngoái, những giao dịch như vậy chiếm hơn 40% giao dịch thương mại song phương. Quý 1 năm nay, tỷ lệ này đã đạt gần 60%. Điều này phù hợp với xu thế toàn cầu nhằm loại bỏ dần việc sử dụng các loại tiền tệ bị mất uy tín trong thương mại và đầu tư quốc tế. Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch tài chính đáng tin cậy. Tôi đã tham gia lễ khai trương Ngân hàng từ năm 2006. Chúng tôi hy vọng rằng Ngân hàng sẽ tiếp tục hoạt động và tích cực hỗ trợ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước chúng ta. Năng lượng vẫn là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác song phương. Liên doanh Vietsovpetro đã khai thác các mỏ tại thềm lục địa Việt Nam trong hơn bốn thập niên qua và mang lại hiệu quả cao. Khối lượng dầu do Vietsovpetro sản xuất trong những năm qua đã vượt quá 250 triệu tấn. Công ty liên doanh Rusvietpetro được thành lập năm 2008 đang hoạt động thành công tại Khu tự trị Nenets của Nga.
Trong những điều kiện khó khăn của vùng Cực Bắc, Rusvietpetro đã khai thác được hơn 35 triệu tấn dầu từ lòng đất sâu. Còn Tập đoàn Gazprom đang khai thác khí đốt tại Việt Nam, một công ty lớn khác của Nga là Novatek dự định triển khai các dự án khí hóa lỏng (LNG) trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, hai bên đang nghiên cứu triển khai sáng kiến thành lập Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Tập đoàn Rosatom của Nga. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng Tập đoàn nhà nước Rosatom luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong việc xây dựng ngành năng lượng nguyên tử quốc gia, bao gồm cả việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Nước Nga có truyền thống đóng góp to lớn vào việc phát triển tiềm lực thủy điện của Việt Nam. Thí dụ, Công ty RusHydro rất quan tâm đến việc tham gia tái thiết và nâng công suất của các công trình thủy điện trên các dòng sông Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, Công ty liên doanh GAZ - Thành Đạt đang triển khai hoạt động lắp ráp ô tô mang thương hiệu GAZ của Nga.
Chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ tích cực hơn nữa trong việc tận dụng những cơ hội to lớn tại thị trường Nga. Thí dụ, Công ty “TH Group” của Việt Nam đã tận dụng thành công cơ hội này và hiện đang xây dựng các nhà máy chế biến sữa ở các tỉnh Moskva và Kaluga cũng như tại vùng Primorye.
Dĩ nhiên, tôi không thể không nhắc đến truyền thống hợp tác lâu đời giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục. Trong nhiều thập kỷ qua, hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được đào tạo và nâng cao trình độ và hàng nghìn chuyên gia đã nhận được học vị khoa học ở Nga. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến quan hệ đối tác trong lĩnh vực này, trong đó có tiếp tục đào tạo công dân Việt Nam tại các trường đại học Nga bằng kinh phí từ ngân sách liên bang. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách thúc đẩy hoạt động trao đổi sinh viên và triển khai các dự án và chương trình học thuật chung. Một thí dụ nổi bật về sự hợp tác tích cực như vậy là hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới Nga-Việt, đã nhiều năm tiến hành các công trình nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.
Đương nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ nhân văn. Tôi biết nhiều người Việt Nam am hiểu và yêu thích âm nhạc, văn học và điện ảnh Nga. Còn người Nga cũng rất quan tâm đến nền nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga dự kiến được tổ chức vào đầu tháng tới sẽ giúp người Nga hiểu sâu hơn về nghệ thuật của Việt Nam.
Du lịch chắc chắn sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta. Việt Nam từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến nghỉ dưỡng ưa thích của người Nga, còn người dân Việt Nam luôn bị thu hút bởi những danh lam thắng cảnh của đất nước chúng tôi. Sắp tới, việc tăng số lượng chuyến bay thẳng sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch Nga tới Việt Nam và Việt Nam tới Nga.
Cùng với các bạn Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ song phương và phát triển hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới. Và tôi tin tưởng rằng hai nước chúng ta, trên cơ sở truyền thống hữu nghị tốt đẹp, tin cậy và tương trợ lẫn nhau, sẽ đạt được tất cả các mục tiêu lớn đặt ra. Chúc nhân dân Việt Nam hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng./.
Theo vietnamplus