Các khách sạn tình nhân nằm rải rác gần Ga Uguisudani ở Tokyo

Theo The Japantimes, một phụ nữ kinh doanh tình dục ở Kansai (miền tây Nhật Bản) đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận Tokyo vì chính phủ đã loại các nhà điều hành kinh doanh tình dục khỏi các chương trình hỗ trợ tài chính mới nhất cho các doanh nghiệp bị khó khăn vì đại dịch Covid-19.

“Tôi nghĩ đó chẳng qua là sự phân biệt đối xử,” người phụ nữ yêu cầu giấu tên nói. “Tôi điều hành doanh nghiệp của mình tuân thủ luật pháp và đóng thuế như những người khác, nhưng thực tế là nhà nước đã loại bỏ ngành của chúng tôi - chỉ chúng tôi - và tuyên bố nó không đủ điều kiện để hưởng lợi đã khiến chúng tôi rất sốc”

Khi khởi kiện chính phủ và các công ty chịu trách nhiệm xử lý các chương trình cứu trợ, người phụ nữ miền Tây Nhật Bản này đòi bồi thường thiệt hại 4,5 triệu yên, bao gồm các quyền lợi mà cô đã bị từ chối và “tiền an ủi” vì sự phân biệt đối xử mà cô cho rằng mình phải chịu.

Công ty của cô - nguyên đơn trong vụ kiện lên Tòa án quận Tokyo vào tháng trước - nằm trong vô số các công ty kinh doanh tình dục bị loại khỏi một số chương trình viện trợ của chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng đại dịch trụ lại.

Vụ kiện đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu các doanh nghiệp tình dục ở Nhật Bản có đủ hợp pháp để đủ điều kiện nhận trợ cấp công hay không. Nó cũng làm dấy lên sự ngờ vực sâu sắc về một ngành thường gắn liền với sự vô luân, tội ác và bóc lột.

Nhóm luật sư của một nhà điều hành kinh doanh tình dục ở miền tây Nhật Bản, người đang kiện chính phủ vì không đủ điều kiện tham gia chương trình phân phối tiền mặt của nhà nước

Các luật sư đại diện cho nguyên đơn lập luận rằng việc chính phủ trung ương loại trừ hoàn toàn ngành công nghiệp tình dục khỏi các biện pháp cứu trợ COVID-19 đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng được Hiến pháp bảo đảm, coi đó là "sự phân biệt đối xử trên cơ sở nghề nghiệp." Hơn nữa, nó còn có nguy cơ cản trở việc tiếp cận môi trường làm việc an toàn của người bán dâm.

Trong khi đó, những người ủng hộ việc loại trừ nói rằng ngành công nghiệp tình dục dường như có liên quan tới yakuza (một dạng mafia lâu đời ở Nhật bản), cũng như các vấn đề khác như mại dâm trẻ em và trốn thuế, về cơ bản không nên có viện trợ công. Và cuộc tranh luận về việc liệu các doanh nghiệp này có nên tiếp tục hoạt động trong bối cảnh đại dịch hay không chưa có hồi kết.

Nhà hoạt động Yukiko Kaname, người đứng đầu nhóm vận động Công tác Tình dục và Sức khỏe Tình dục (SWASH), lo ngại rằng việc loại trừ các doanh nghiệp trong khu đèn đỏ có nguy cơ khiến người bán dâm bị xa lánh hơn trong xã hội chính thống, khiến họ không được tiếp cận với sự trợ giúp chuyên nghiệp đối với công việc của họ.

Nhân viên tình dục Haru Imaga, 31 tuổi, cho biết cô nhận thấy việc chính phủ loại trừ ngành công nghiệp của mình khỏi các chương trình hỗ trợ là một minh chứng cho thấy họ ít quan tâm đến sự tồn tại của các doanh nghiệp tình dục.

“Bác sĩ, luật sư, thuế vụ và cảnh sát - đây là lực lượng rất cần thiết để hỗ trợ cho những người hành nghề mại dâm, nhưng do định kiến nên thường xảy ra chuyện những chuyên gia đó không muốn dính líu đến chúng tôi,” Kaname nói.

“Nhà nước phân biệt đối xử với chúng tôi sẽ càng ủng hộ thái độ đó… Tôi muốn chính phủ công nhận những gì người bán dâm làm là một nghề hợp lệ và đối xử bình đẳng như với các công việc khác”, cô nói.

Tuy nhiên, nhân viên xã hội và nhà hoạt động chống đói nghèo có trụ sở tại Saitama, Takanori Fujita, nói rằng có lý do để ngành công nghiệp tình dục không và có lẽ không bao giờ nên được chính phủ hỗ trợ.

“Theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là một nhân viên xã hội, tôi phải nói rằng ngành công nghiệp này thậm chí không xứng đáng là đối tượng nhận viện trợ của chính phủ,” anh nói. "Đó là một ngành về cơ bản dựa trên phân biệt giới tính và lợi dụng sự nghèo đói."

Việc loại trừ người bán dâm khỏi hỗ trợ COVID-19 là điều phổ biến trên khắp thế giới, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, nơi họ đã bị cấm tham gia chương trình cho vay liên bang và ở Canada, nơi về cơ bản họ không đủ tiêu chuẩn để được chính phủ cứu trợ.

Ngành công nghiệp tình dục ở Nhật đang tiếp tục gặp khó khăn vì không được chính phủ hỗ trợ tài chính

Vấn đề là liệu nhà nước có thể đưa ra lý do thuyết phục để khiến ngành công nghiệp tình dục không đủ điều kiện cho hai chương trình viện trợ đang được đề cập hay không: chương trình trợ cấp một lần cho các doanh nghiệp khoản tiền lên đến 2 triệu yên, trong khi chương trình kia được thiết kế để trang trải tiền thuê nhà với giá 6 triệu yên. Đối với cả hai chương trình, ngành công nghiệp tình dục được coi là không đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ, đặt nó ngang hàng với các tổ chức chính trị và tôn giáo.

Cho đến nay, các quan chức chính phủ vẫn sử dụng khái niệm mơ hồ về “chuẩn mực xã hội” để biện minh, với lý do là do nhiều người nộp thuế không cảm thấy thoải mái khi tiền của họ được giao cho một ngành gây tranh cãi.

Bộ trưởng Kinh tế Hiroshi Kajiyama khi nói với tờ Diet hồi tháng 5 đã nhấn mạnh rằng quyết định của chính phủ phù hợp với các chính sách trước đây, tương tự việc từ chối các khoản trợ cấp công cho ngành công nghiệp tình dục, chẳng hạn như cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Theo thanhnien