Sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam, giảng viên và sinh viên các trường đại học tại Nga có giảng dạy môn tiếng Việt, cùng đông đảo những sinh viên quan tâm tới Việt Nam và quan hệ hai nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học với chủ đề "Việt Nam trước bối cảnh thế giới nhiều biến động về chính trị, kinh tế - xã hội" diễn ra theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, ông Andrei Anatolyevich Baikov, Hiệu phó phụ trách công tác khoa học của MGIMO, nhấn mạnh, Hội thảo sẽ thảo luận về những thách thức đang nổi lên trên thế giới hiện nay trong tất cả các lĩnh vực để từ đó củng cố hợp tác mọi mặt giữa Nga và Việt Nam.
Cũng theo ông Baikov, trường MGIMO sẽ tiếp tục nỗ lực và góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Nga với Việt Nam và các nước ASEAN.
Tiếp đó, diễn giả khách mời Boldyrev Alexander Viktorovich, Trưởng ban Truyền thông doanh nghiệp Công ty Dầu khí Zarubezhneft, đã điểm lại lịch sử phát triển hợp tác dầu khí giữa hai nước nói chung và giữa Zarubezhneft với phía Việt Nam nói riêng.
Ông cho biết, công ty Zarubezhneft không chỉ là một đối tác hợp tác dầu khí với Việt Nam mà còn góp phần củng cố quan hệ chính trị giữa hai nước. Nhận định Việt Nam là nền kinh tế có nhiều tiềm năng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Viktorovich cam kết công ty Zarubezhneft sẽ nỗ lực để thúc đẩy hơn nữa hợp tác với phía Việt Nam.
Sau phiên khai mạc đã diễn ra phiên thảo luận chung giữa Trung tâm ASEAN thuộc trường MGIMO với Học viện Ngoại giao Việt Nam, cùng với 4 phiên thảo luận chuyên đề.
Phiên thảo luận chung mang chủ đề “Các diễn biến trên Biển Đông: Nhận định của Nga và Việt Nam”, trong khi các phiên thảo luận chuyên đề có các chủ đề: "Việt Nam phát triển năng động: Thành tựu, Thách thức và Triển vọng”, “Việt Nam và các tổ chức quốc tế: Lịch sử hợp tác và thực trạng”, “Chính sách đối ngoại của Việt Nam: Đối tác và lĩnh vực hợp tác” và “Diễn biến kinh tế - xã hội Việt Nam trước và sau đại dịch Covid-19”.
Tại 4 phiên thảo luận chuyên đề, nhìn chung, các báo cáo viên đều nêu lên những khó khăn, thách thức của bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới hiện nay nhưng đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, thể hiện rõ qua vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc, các chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa hiệu quả và tiềm năng đáng kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam. Các đại biểu tham dự đã kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ Nga-Việt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Trong cuốn sách, tác giả Valeria đã gọi Việt Nam là một “cường quốc tầm trung” và đưa ra những phân tích, đánh giá về quá trình hình thành, phát triển chính sách đối ngoại của Việt Nam, cách tiếp cận của Việt Nam với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, cũng như những đóng góp và vai trò quan trọng của Việt Nam trong các tổ chức khu vực như ASEAN, APEC, ADMM+…
Cũng trong khuôn khổ Ngày Việt Nam, bên cạnh các chương trình hội thảo khoa học, bạn bè quốc tế còn bị thu hút bởi Triển lãm ảnh “Việt Nam và Liên hợp quốc”, Hội chợ quà lưu niệm ngập tràn các sản phẩm thương hiệu Việt và chương trình văn nghệ “Con rồng cháu tiên” với những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.