Ở các khu chung cư ngày phong toả rất nhiều những câu chuyện ấm áp, nghĩa tình - Ảnh minh họa

Hôm cư dân tòa nhà A1 chung cư Tara Residence (P.6, Q.8, TP.HCM) bất ngờ nhận tin tòa nhà sẽ bị phong tỏa do có ca dương tính với COVID-19, 234 căn hộ với 712 nhân khẩu bất ngờ xoay sang ứng phó với một nhịp sống mới: không ra ngoài, không xuống sân. 

Nhiều người đang hoang mang không biết xoay xở thế nào giữa căn hộ bị cách ly - nơi ngày thường vốn đã khá biệt lập thì nhận được thông báo của ban quản lý tòa nhà: bảo vệ và đại diện ban quản trị chung cư sẽ hỗ trợ bà con nhận hàng online.

Để đảm bảo an toàn, người giao hàng sẽ đặt hàng trước cửa, nhấn chuông và rời đi thì cư dân mới ra nhận hàng.

Mọi căng thẳng được xoa dịu. Nhóm Facebook lẫn nhóm chat Zalo ngày thường vẫn là nơi để mọi người thông tin, phản ánh các vấn đề nội bộ, thì nay nó trở thành điểm kết nối giữa những người “tối lửa tắt đèn” nơi phong tỏa. Từ bên trong rào cách ly, mọi người bày tỏ sự quan tâm đến người hàng xóm dương tính. 

Anh T. - ca F0 COVID-19 - được phát hiện trước đó dường như cũng đã ổn định tại bệnh viện nên bắt đầu online để xin lỗi mọi người trên group cư dân.

Ngay sau lời “xin lỗi vì đã làm khổ mọi người” của T., hàng loạt cư dân vào chia sẻ và động viên anh giữ tinh thần để chống chọi với vi-rút.

Nơi đâu có T. bình luận cũng có người vào hỏi thăm, cập nhật tình hình sức khỏe hằng giờ. Khi nắm được T. hiện ổn và gần như không có triệu chứng, mọi người lại mang thông tin đó chia sẻ vào nhóm chat để cùng yên tâm. 

Sau những băn khoăn về dịch bệnh là lo toan về cơm áo. Trên nhóm chat rộn ràng thông tin của các nhà “dư bánh mì, vitamin C, sữa, đồ dùng em bé…” sẵn sàng chia sẻ cho người cần.

Nhóm chat liên tục kêu gọi mọi người kết nối và thêm thành viên cùng tòa nhà vào nhóm để không ai bị cô lẻ. Thỉnh thoảng, giữa những lời bàn bạc và pha trò của các anh là những lời nhắc nhở mọi người “ráng nhớ xem trong block mình còn người già, người neo đơn, hay người nước ngoài nào sống một mình không, để tìm cách hỗ trợ”.

Những ngày bị phong tỏa, trong nhóm chat xuất hiện những hình ảnh chụp cảnh sinh hoạt của bảo vệ đang bị phong tỏa cùng với tòa nhà. Bị phong tỏa ngay tại nơi làm việc, họ phải làm việc gấp nhiều lần so với ngày thường do không có đồng nghiệp vào thay ca, và đảm đương việc vận chuyển hàng hóa lên 250 căn hộ. 

Hình ảnh một anh bảo vệ cao dong dỏng kéo một chiếc xe đẩy tự chế chất hàng hóa đi trong con đường nội khu vắng tanh khiến nhiều người xót xa.

Mọi người đề xuất được góp một chiếc xe đẩy, hay một chút vitamin xuống tầng G - nơi các anh tập kết nghỉ mệt giữa giờ.

Đến lúc nhìn thấy hình ảnh những giờ nghỉ giải lao trên tấm bìa các-tông, không mùng mền, hay những “bữa cơm bảo vệ” vội vàng tạm bợ - cư dân đồng loạt đề nghị quyên góp hỗ trợ các anh chút tiện nghi và dinh dưỡng, thuốc bổ để làm việc. 

Những con người đang sống bên trong rào cách ly, phải ngưng trệ mọi công việc lại tự nhận “mình may mắn vì được sống trong nhà”, trong khi có những người cũng chịu cảnh chia cách nhưng lại vất vả làm việc. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ trong buổi chiều muộn, mọi người đã chuyển gần 25 triệu đồng để hỗ trợ các anh bảo vệ…

Tối hôm đó, đồ đạc đã được chuyển đến người cần. Phụ trách việc này là các anh chị cư dân ở block khác, họ nhận tiền, tìm hiểu nhu cầu của các bảo vệ rồi đi mua hàng ngay trong chiều…

Những diễn biến được cập nhật liên tục trong nhóm chat khiến cư dân khu phong tỏa cũng “bận bịu” kết nối, chờ tin.

Một đội tình nguyện viên của chung cư Ehome 3 (TPHCM) khử khuẩn hàng hoá trước khi chuyển lên các căn hộ - Ảnh Đình Văn

Sau khi cập nhật tình hình tặng quà cho đội ngũ bảo vệ, chị cư dân nọ thông tin thêm: “Cư dân ở ba block còn lại muốn hỗ trợ mọi người”, rồi chị nêu từng phần thực phẩm, tiền hay đồ dùng mà người này người kia ở các block khác đang nhờ chị gửi vào cho bà con đang bị cách ly…

Cứ thế, người ta tối lửa tắt đèn có nhau, giữa giãn cách và phong tỏa… 

Theo phunuonline