Mức án 9 năm tù dành cho Reza Ashrafi, người đàn ông sát hại con gái 14 tuổi vì danh dự gia đình, khiến nhiều người dân Iran tức giận, theo The Guardian.

Bản án bị đánh giá là quá nhẹ tay và luật pháp Iran vẫn coi trọng quyền đàn ông hơn cuộc sống, sự an toàn của phụ nữ.

Nhiều người dẫn chứng tội không đội khăn trùm đầu che kín khuôn mặt của phụ nữ Hồi giáo tại nước này còn phải nhận mức án cao hơn.

cha sat hai con gai vi danh du gia dinh anh 1
Romina Ashrafi trước khi bị bố sát hại.

Rana Dashti, mẹ của nạn nhân Romina Ashrafi và là vợ của thủ phạm, không giấu được sự phẫn nộ với quyết định của tòa án. Bà cho rằng phán quyết đã dành sự khoan hồng không đúng người, “gây nên sự hoảng sợ cho tôi và gia đình”.

Dashti cho hay bà sẽ kháng cáo lại quyết định của tòa án. Sau 15 năm, bà không còn muốn tiếp tục chung sống với người chồng thêm nữa.

“Tôi không muốn chồng quay trở về làng nữa”, người phụ nữ nói với truyền thông địa phương, đồng thời bày tỏ sự lo lắng cho cuộc sống của người thân.

cha sat hai con gai vi danh du gia dinh anh 2

Sự ra đi của cô bé 14 tuổi gây rúng động Iran, nhưng khó đem lại sự thay đổi về các biện pháp bảo vệ phụ nữ.

Theo báo chí địa phương, Romina Ashrafi (14 tuổi) yêu một người đàn ông hơn cô 20 tuổi nhưng không nhận được sự đồng ý từ bố. Romina và bạn trai quyết định bỏ trốn.

Ông Reza đã nhờ đến lực lượng chức năng tìm kiếm. Hôm 27/5, cảnh sát tìm được tung tích của Romina sau 5 ngày. Lo sợ bị bố giam giữ và trừng phạt, Romina cầu xin cảnh sát buông tha nhưng họ quyết đưa cô về nhà theo yêu cầu của gia đình.

Ba tuần sau, cô gái 14 tuổi ra đi khi đang ngủ, dưới lưỡi dao tàn ác của cha đẻ. Reza sau đó cầm hung khí đến sở cảnh sát tự thú với lý do “bảo vệ danh dự gia đình”.

Ông từng nhiều lần yêu cầu vợ bắt con gái tự sát vì làm ô nhục dòng họ. Trước khi ra tay sát hại Romina, người cha đã tới gặp luật sư nhờ tư vấn.

cha sat hai con gai vi danh du gia dinh anh 3

Con số phụ nữ Iran bị chính người thân sát hại không được công bố chính xác.

“Mức phạt nào dành cho tôi nếu giết chết con gái mình?”, Reza hỏi luật sư. Câu trả lời ông bố này nhận được với tư cách người giám hộ của con là "không đến mức tử hình, nhưng phải ngồi tù 3-10 năm".

Tội giết người ở Iran có thể đối mặt với án tử hình. Song theo Hồi giáo, những người giám hộ hay còn gọi là “người bảo vệ”, ở đây là Reza, lại không phải chịu mức án này.

Tuy nhiên, với những người mẹ phạm phải tội ác tương tự, mức trừng phạt cao nhất vẫn được áp dụng.

Vụ sát hại Romina Ashrafi gây rúng động Iran khi số vụ “giết người vì danh dự” tăng lên trong vài năm gần đây. Ở một số tỉnh của quốc gia này, có tới 20% số vụ giết người xuất phát từ lý do tương tự.

Ước tính, 30% số vụ giết người tại Iran có nạn nhân là phụ nữ và bé gái. Con số cụ thể không được chính phủ công bố.

Những nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em, giảm bớt tình trạng thiên vị giới tính vẫn chưa đem lại nhiều kết quả khi các quy định của đạo Hồi vẫn lấn át.

Bên cạnh những lời kêu gọi ban hành đạo luật mới nhằm bảo vệ phụ nữ hết sức có thể, vẫn có một bộ phận theo trường phái bảo thủ đổ lỗi cho Romina Ashrafi vì “lăng nhăng và không tuân thủ các chuẩn mực tôn giáo, đạo đức”, đồng thời “không thể xử tử người cha vì như vậy là làm trái với quy định Hồi giáo”.

 

Theo Zing