Thi thể của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được đưa về nhà của ông ở Tokyo hôm 9/7, một ngày sau khi ông bị ám sát trong một vụ xả súng ban ngày, khiến một quốc gia không quen với bạo lực súng đạn rơi vào trạng thái bàng hoàng và tức giận.

Vợ ông, bà Akie Abe, đã cùng đưa thi hài ông về Tokyo, nơi gia đình sinh sống. Các quan chức sẽ bàn với gia đình về việc tổ chức tang lễ, văn phòng ông Abe nói với CNN.

Khi thi hài của ông Abe về đến nhà, cảnh sát tiếp tục thẩm vấn nghi phạm trong vụ ám sát.

Việc một cựu Thủ tướng có thể bị hạ sát bằng súng ở cự ly gần khi đang phát biểu giữa ban ngày ở một quốc gia có tỉ lệ tội phạm súng thấp nhất thế giới đã làm rung động Nhật Bản và thế giới. Các Tổng thống, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo quốc tế khác đã gửi lời chia buồn tới tang quyến, người dân và chính phủ Nhật Bản, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ và đau buồn về vụ ám sát.

leftcenterrightdel

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn khi đang phát biểu trong một sự kiện chính trị ở Nara, miền Tây Nhật Bản, ngày 8/7/2022. Ảnh: ABC News

Sự việc diễn biến quá nhanh

Ông Shinzo Abe, 67 tuổi, được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Nara tuyên bố tử vong vào lúc 5h03 chiều ngày 8/7 giờ địa phương (3h03 chiều cùng ngày giờ Việt Nam), chỉ hơn 5 tiếng sau khi súng nổ nhắm vào ông Abe, người đang phát biểu trong chiến dịch tranh cử trước một đám đông nhỏ trên đường phố ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản.

Vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng, ông Abe đang phát biểu ủng hộ các ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trước cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/7.

Mặc dù đã từ chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2020 vì lý do sức khỏe, ông Abe vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong bối cảnh chính trị của đất nước và tiếp tục vận động cho LDP.

Các bác sĩ cho biết, ông Abe được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tim ngừng đập và bất chấp nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, ông đã không qua khỏi vì vết thương do đạn bắn vào cổ và tim gây chảy máu không cầm được.

leftcenterrightdel

Một đoàn xe được cho là chở thi hài của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rời Bệnh viện Đại học Y Nara, miền Tây Nhật Bản, về nhà ở Tokyo, sáng ngày 9/7/2022. Ảnh: The Guardian 

leftcenterrightdel
 

Đoàn xe chở thi hài của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về đến thủ đô Tokyo, ngày 9/7/2022. Ảnh: DW

Tình cảm của người dân

Bên ngoài tư dinh của ông Abe ở Tokyo hôm 9/7, hàng trăm người đã tập trung trên đường phố với hy vọng có thể nhìn thấy chiếc xe chở thi hài của ông.

Người dân thuộc nhiều lứa tuổi nói với CNN rằng họ không tin tưởng và đau buồn trước sự ra đi của ông Abe.

Ông Takashi Uchida, 57 tuổi, cho biết: “Tôi không ngờ chuyện như thế này lại xảy ra với một người từng là nhà lãnh đạo của Nhật Bản trong một thời gian dài như vậy - ở đây thường rất an toàn và chúng tôi không có tội phạm súng đạn”.

Sinh viên Ryogo Uto, 18 tuổi, nói rằng sự ra đi của ông Abe là "quá đột ngột". Uto nói: “Ông Abe là một nhà lãnh đạo được kính trọng, ông đã làm nhiều điều cho Nhật Bản khi còn cầm quyền”.

Dòng người cũng tập trung tại một đài tưởng niệm tạm bên ngoài ga Yamato-Saidaiji ở Nara, gần nơi ông Abe bị ám sát, để đặt hoa tưởng niệm và cầu nguyện cho ông.

“Tôi bị sốc khi chuyện này xảy ra ở Nara”, bà nội trợ Natsumi Niwa, 50 tuổi, chia sẻ sau khi dâng hoa cùng cậu con trai 10 tuổi ở gần hiện trường vụ nổ súng.

"Tôi không thể ngồi yên và không làm gì. Tôi cảm thấy mình phải đến tận nơi", ông Sachie Nagafuji, 54 tuổi, cho biết. Ông đến đây với con trai mình để bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng đối với cố Thủ tướng.

leftcenterrightdel
 

Người dân cầu nguyện gần khu tưởng niệm cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 9/7/2022. Ảnh: AP

leftcenterrightdel
 

Tối cùng ngày cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát ở Nara, miền Tây Nhật Bản, ngày 8/7/2022, một người phụ nữ khóc tại nơi đặt đài tưởng niệm ông. Ảnh: New York Post

leftcenterrightdel
 

Một người đàn ông quỳ gối và bày tỏ lòng kính trọng với cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu tưởng niệm ông, ngày 8/7/2022. Ảnh: Getty Images

leftcenterrightdel
 

Một người đưa tang thắp nhang tại địa điểm xảy ra vụ nổ súng, ngày 8/7/2022. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng tại vị lâu nhất

Ông Shinzo Abe, cháu ngoại của cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, với 2 giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020.

Ông lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2006, lúc 52 tuổi. Nhiệm kỳ đầu tiên đầy sóng gió của ông được đánh dấu bằng những vụ bê bối và bất hòa. Lần từ chức đột ngột đầu tiên của ông được cho là vì lý do chính trị, nhưng sau đó ông cho biết là do tình trạng sức khỏe của bản thân.

Ông trở thành Thủ tướng Nhật Bản một lần nữa vào năm 2012 và giới thiệu "Abenomics" - một kế hoạch phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, liên quan đến một loạt các biện pháp cải cách chưa từng có tiền lệ về chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và cắt giảm thủ tục hành chính.

Hai nhiệm kỳ Thủ tướng của ông cũng được đánh dấu bằng một nỗ lực thất bại trong việc viết lại hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản và quan điểm xét lại của ông về quá khứ của đất nước.

Ông từ chức vào tháng 8/2020 với lý do căn bệnh mãn tính của ông lại hoành hành.

Theo nguoiduatin