Nhức nhối nạn di cư bất hợp pháp và các vấn đề xã hội

Thời gian gần đây, những người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, châu Phi vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) thông qua biên giới với một số quốc gia châu Âu đang tăng mạnh, bất chấp nỗ lực lớn của cơ quan nhập cư và Cơ quan Bảo vệ biên giới EU (Frontex). Năm 2021, chỉ riêng số lượng người di cư bất hợp pháp đã đến các nước EU là gần 200.000 người, tăng 57% so với năm 2020; trong 7 tháng đầu năm 2022 là 155.090 người, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, hơn 42.500 người đã vượt tuyến đường Trung Địa Trung Hải để đến châu Âu, tăng 44% so với năm 2021.

Riêng trong tháng 7/2022, số người di cư đến EU là 34.570 người; trong đó, khoảng 14.866 người đã vượt biên trái phép qua tuyến đường Tây Balkan, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Cơ quan Frontex còn cho biết kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ucraina (từ cuối tháng 2 đến tháng 7/2022) đã có 7,7 triệu người Ukraine đến EU...

Người di cư chờ đợi được giải cứu khỏi chiếc thuyền quá tải của họ được chụp từ một máy bay trực thăng của hải quân Italy (Ảnh: Eyevine).
Người di cư chờ đợi được giải cứu khỏi chiếc thuyền quá tải của họ được chụp từ một máy bay trực thăng của hải quân Italy (Ảnh: Eyevine).

Làn sóng di cư bất hợp pháp ngoài việc để lại bi kịch trên đường di cư và trong các trại tị nạn như chìm xuồng, đắm tàu, đánh giết lẫn nhau… còn gây sự hỗn loạn về an ninh và trật tự xã hội của một số nước, nhất là tại các khu vực cửa khẩu biên giới và hệ thống các đầu mối giao thông. Điển hình, tại Ba Lan, người di cư bị mắc kẹt tại biên giới Ba Lan - Belarus trong thời gian dài, dẫn đến các cuộc đụng độ giữa Cảnh sát biên giới Ba Lan và các nhà hoạt động nhân quyền; một cuộc bạo loạn cũng xảy ra tại một trung tâm tị nạn ở Palbrade, Lithuania vào tháng 6/2022.

Việc hàng loạt người di cư đã tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia châu Âu, trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng và cuộc khủng hoảng nợ công trong EU chưa giải quyết dứt điểm. Mặt khác, áp lực từ làn sóng di cư đã khiến cho những bất bất ổn chính trị và căng thẳng xã hội ngày càng gia tăng ở các quốc gia EU. Cuộc khủng hoảng hiện tại của châu Âu cho thấy châu lục này dễ bị tổn thương trước làn sóng người tị nạn và vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn khi làn sóng người tị nạn hướng đến lục địa châu Âu tiếp tục gia tăng.

Xung đột, khủng hoảng và giấc mộng trời Âu

Nguyên nhân chính của các cuộc di cư bất hợp pháp xuất phát từ khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội của các nước khu vực Bắc Phi, Trung Đông. Ở đây luôn xảy ra tình trạng tranh giành lợi ích giữa các nước lớn và hậu quả là đời sống chính trị ở các quốc gia trong khu vực này thường xuyên rơi vào tình trạng hỗn loạn; kinh tế không thể phát triển, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng đói nghèo diễn ra phổ biến ở các vùng nông thôn, thậm chí ở cả thành thị; sự gia tăng của nạn thất nghiệp dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội.

 

Ngoài ra, chiến tranh, xung đột cũng là nguyên nhân đẩy nhanh dòng người di cư quốc tế. Báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các cuộc xung đột kéo dài ở Syria, Afghanistan, Somalia, Yemen... đang khiến người dân phải rời bỏ quê hương; đặc biệt, chiến sự tại Syria, Ucraina là nguyên nhân làm bùng phát cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trầm trọng nhất kể từ những năm 90 thế kỷ XX khi hơn một nửa số người di cư và tị nạn đến từ Syria.

Ngoài các nguyên nhân trên, cuộc cách mạng về công nghệ truyền thông và tiến bộ trong giao thông vận tải tạo nên việc đi lại dễ dàng hơn cùng những thay đổi về nhân quyền với các chương trình trợ giúp nhân đạo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), UNHRC… cũng là điều kiện tác động đến sự gia tăng của di cư bất hợp pháp.

Giải pháp về di cư: Khó thống nhất vì khác biệt lợi ích

Đề khắc phục vấn đề bất hợp pháp, các quốc gia châu Âu cần thống nhất được chính sách giải quyết đối với người tị nạn. Các nước trong châu Âu phải tham gia Công ước quốc tế về người tị nạn, Công ước Dublin về quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong thực hiện các thủ tục đăng ký tiếp nhận người tị nạn.

Mỗi quốc gia châu Âu tránh có quan điểm và chính sách xử lý người di cư khác nhau. Chẳng hạn, nước Đức thì sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn để khắc phục tình trạng già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia như Italy, Hy Lạp, Serbia, Hungary, Croatia lại không tiếp nhận người di cư do lo ngại về an ninh và khó khăn của nền kinh tế.

Những người Ukraine sơ tán sang các nước láng giềng châu Âu sau khi xung đột với Nga nổ ra. Ảnh: MORNINGCONSULT.COM
Những người Ukraine sơ tán sang các nước láng giềng châu Âu sau khi xung đột với Nga nổ ra (Ảnh: morningconsult.com).

Các tổ chức quốc tế, các quốc gia cần tiến hành giúp hồi hương những người di cư về nước như quốc gia Đức đã cam kết hỗ trợ hoạt động của tổ chức UNHCR và IOM trong nỗ lực hồi hương những người di cư đang mắc kẹt ở Belarus. Liên hợp quốc và các nước cần bảo đảm giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế, không nên lợi dụng cho mục đích chính trị.

Đồng thời, tổ chức ngăn chặn mạng lưới buôn bán người di cư sang châu Âu, nhất là mạng lưới tội phạm hoạt động chuyên buôn bán người di cư qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Điều đặc biệt là các nhà lãnh đạo, chính phủ các nước không để xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất chiến tranh, xung đột; cần bỏ qua những bất đồng, chấm dứt cách tiếp cận ích kỷ để tập trung ngăn chặn và giải quyết vẫn đề di cư bất hợp pháp.

Theo thoidai