Cuối tháng 8, người dùng mạng xã hội phản ánh tình trạng nhiều trang Facebook có tên chứa nội dung ấu dâm, phản cảm thường xuyên bình luận, đăng bài trên các fanpage, nhóm đông thành viên. Những trang này lan truyền nội dung đồi trụy trên Facebook để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người dùng.

Ngày 24/8, ông Phan Tân, nhân viên văn phòng tại TP.HCM vô tình nhìn thấy fanpage có tên “Lộ CLip Lừa Bé Gái 14 Tuổi Về Phòng Trọ **** ***” trên trên Facebook. Ông Tân cho rằng tên của trang Facebook này chứa nội dung ấu dâm, đồi trụy. Bên cạnh đó, trang Facebook nói trên đăng bài mời gọi người dùng truy cập vào một website, website này yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản Facebook để xem “nội dung 18+”.

                                                          Fanpage có tên ấu dâm vẫn được Facebook cho phép hoạt động dù người dùng tố cáo.


Ông Phan Tân tố cáo fanpage này với Facebook qua công cụ của nền tảng. Ban đầu, mẫu báo cáo của ông Tân được duyệt bởi công cụ tự động. Thuật toán Facebook cho rằng fanpage này không gặp vấn đề về Tiêu chuẩn Cộng đồng. Lúc này, ông Tân tiếp tục gửi kháng nghị đến Facebook.

“Chuyên viên của chúng tôi đã xem xét lại trang và xác nhận không có bài đăng nào vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, bao gồm cả điều khoản về khỏa thân và tình dục”, đội ngũ Facebook phản hồi ông Phan Tân, khẳng định "chuyên viên" của nền tảng đã xem xét và không tìm thấy vi phạm của bài viết.

Đồng thời, Facebook cho rằng quyết định này được đưa ra dựa trên Tiêu chuẩn Cộng đồng được áp dụng cho người dùng trên toàn thế giới.

Bước cuối cùng ông Tân có thể làm là gửi báo cáo đến Oversight Board (Ban giám sát nội dung Facebook), đơn vị kiểm duyệt thông tin độc lập mà nền tảng này thành lập tháng 11/2018. Sau khi gửi báo cáo vi phạm đến Ban giám sát nội dung Facebook, ông Tân không nhận được thêm bất cứ phản hồi nào từ mạng xã hội này.

                                                            Đội ngũ Facebook phản hồi người dùng về trang có tên chứa nội dung ấu dâm.


Ngày 27/8, Zing đã liên hệ với Facebook. Mạng xã hội này không đưa ra phát ngôn. Đến ngày 31/8, trang Facebook trên không còn hoạt động.

Tuy vậy, hàng loạt trang với tên khiêu dâm vẫn tiếp tục được tạo mới và lan truyền trên Facebook.

“Những trang Facebook này sử dụng những từ lóng, viết tắt, ký tự đặc biệt để qua bộ mặt bộ lọc Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook. Nếu không phải người Việt thì khó để hiểu được ý nghĩa của những tên trang như vậy. Trong khi đó, Facebook từng nhiều lần thông báo trên website về tình trạng quá tải kiểm duyệt do dịch Covid-19”, ông Võ Nhật, quản trị viên của hàng loạt trang Facebook tại TP.HCM cho biết.

Ông Nhật cho rằng những trang này sử dụng tool (công cụ) để tự động bình luận ở các trang, hội nhóm Facebook để thu hút nạn nhân.

Đây không phải lần đầu cơ chế kiểm duyệt của mạng xã hội lớn nhất hành tinh bị qua mặt. Tháng 3/2020, nhiều người dùng Facebook bức xúc vì nền tảng này quảng cáo cho hàng loạt sản phẩm phi pháp như cần sa, thuốc lá, cờ bạc. Bằng việc sử dụng tiếng lóng, ký tự đặc biệt, các trang kinh doanh mặt hàng cấm vẫn có thể qua mặt Facebook để chạy quảng cáo.

Cuối năm 2019, Facebook thông báo đã xóa bỏ 12 triệu bức ảnh khiêu dâm và bóc lột tình dục trẻ em trên nền tảng của họ trong Q3/2019. Theo Facebook, nền tảng của họ tự động nhận dạng hầu hết nội dung bằng trí tuệ nhân tạo và phần mềm “tiên tiến” trước khi người dùng có thể nhìn thấy nó.

Mark Zuckerberg đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều vì những nỗ lực thất bại của Facebook trong việc hạn chế sự lan rộng của nạn bóc lột trẻ em trên Facebook. Đỉnh điểm là việc Zuckerberg đã phải điều trần quốc hội Mỹ vào tháng 10/2019. Hạ nghị sĩ Ann Wagner chỉ trích Facebook không hề có nỗ lực ngăn chặn tình trạng ấu dâm.

Trong khi đó, Giám đốc FBI, Christopher Wray lên án kế hoạch mã hóa tất cả tin nhắn của người dùng của Facebook. Wray cho rằng với tin nhắn mã hóa, tội phạm ấu dâm sẽ tránh được truy lùng của cơ quan điều tra dễ dàng.

Theo Zing