Vào thời điểm này trong năm, bà Ilene Steele, 63 tuổi, thường sẽ có một số chuyến đi đang chờ. Bà thường thăm gia đình ở Mỹ, đi nghỉ ở Italy, và du ngoạn vài ngày ở London - nơi bà sống với người chồng là nhà trị liệu đã nghỉ hưu, Mike.

Bà sẽ gặp gỡ bạn bè để uống nước và ăn tối. Đồng thời, bà cũng sẽ tận hưởng dịch vụ làm móng với con gái.

Song, những việc đó sẽ không xảy ra trong năm nay, ngay cả sau khi các biện pháp hạn chế để chống lại đại dịch Covid-19 đã được nới lỏng.

Một cửa hàng trên đường Oxford - con phố mua sắm nổi tiếng của London - trưng biển giảm giá để thu hút người tiêu dùng trong đại dịch. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi hầu như không ra ngoài”, bà Steele - người bán đồ trang sức đã nghỉ hưu - nói với Reuters. “Chúng tôi chưa đi du lịch. Chúng tôi đã nghĩ đến việc đi Hy Lạp. Điều này nghe có vẻ thật hấp dẫn khi bạn biết sẽ không có nhiều khách du lịch ở đó. Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi sẽ cảm thấy khá ngu ngốc nếu mình chết vì virus”.

Thắt chặt chi tiêu


Trong khi số ca nhiễm virus corona gia tăng trở lại trên khắp châu Âu, dữ liệu chi tiêu cho thấy nỗi sợ bị lây bệnh đang khiến nhiều người tiêu dùng giàu có e ngại móc hầu bao. Điều này gây ra rắc rối cho các nhà bán lẻ, nhà bán hàng xa xỉ và các công ty giải trí đang tuyệt vọng trên con đường lấy lại vị thế đã mất.

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và sự phức tạp của các biện pháp an toàn - từ việc phải đi tất giấy trước khi thử giày cho đến những tấm màn nhựa ngăn cách khách hàng tại tiệm làm tóc - làm bà Steele cảm thấy niềm vui của việc đi chơi đã biến mất.

“Giống như đang ngồi ở bàn mổ”, bà nói về hình ảnh các nhà hàng dựng rào chắn giữa thực khách. "Tôi không thích điều đó".

Nghiên cứu về giao dịch của người tiêu dùng ở các quốc gia bao gồm Anh, Đan Mạch, Pháp và Thụy Điển cho thấy mô hình tương tự ở Mỹ. Ngay cả khi cửa hàng hoạt động trở lại, người tiêu dùng có thu nhập cao vẫn đóng chặt ví của họ.

Một tấm biển yêu cầu giãn cách xã hội ở đường Oxford, London, Anh. Ảnh: Reuters.

Người tiêu dùng Anh có thu nhập sau thuế từ 40.000 bảng (51.250 USD) trở lên chiếm khoảng 35% chi tiêu trong năm 2019. Tuy nhiên, họ cũng chiếm 45% mức giảm trong quý II năm 2020, theo một nghiên cứu về dữ liệu giao dịch qua thẻ của giáo sư Trường Kinh doanh London, Paolo Surico, và những người khác.

“Nhóm người có thu nhập cao chi tiêu trong lĩnh vực có cái gọi là ‘hiệu ứng cấp số nhân’ - các ngành dịch vụ không thiết yếu sử dụng nhân công ở nhóm thu nhập thấp hơn”, ông Surico giải thích. “Chúng ta muốn tạo ra tình huống mà trong đó người trẻ và người nghèo có thể tiết kiệm nhiều hơn một chút còn những người lớn tuổi thì chi tiêu. Tuy nhiên, tình huống này đang diễn ra theo cách ngược lại".

Nhà kinh tế học Asger Lau Andersen và những người khác đã so sánh chi tiêu giai đoạn tháng 3-5 của 860.000 người tiêu dùng ở Đan Mạch - nơi áp đặt các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt - và Thụy Điển - quốc gia không làm vậy và có nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn.

Dữ liệu cho thấy chi tiêu ở Đan Mạch chỉ giảm hơn 4% so với Thụy Điển và người cao tuổi ở Thụy Điển thực sự cắt giảm nhiều hơn so với những người cùng độ tuổi ở Đan Mạch.

“Chúng tôi lý giải hiện tượng này là do tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn ở Thụy Điển khiến nhóm có nguy cơ cao thận trọng hơn, bất chấp việc Đan Mạch có những biện pháp hạn chế chính thức nghiêm ngặt hơn”, ông Andersen cho biết.

Điều xấu nhất vẫn chưa đến


Sự bùng phát trở lại của virus cùng với việc giảm bớt các kế hoạch phát triển ở một số quốc gia có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở những người có thu nhập thấp, đặc biệt trong các ngành như tạp hóa - lĩnh vực đã chứng tỏ khả năng phục hồi trong đại dịch.

Dữ liệu công ty phân tích StyleSage thu thập từ trang web của các công ty quần áo trực tuyến bao gồm Zara, Asos, Mango, Net-A-Porter và New Look vào tháng 8 cho thấy số lượng sản phẩm giảm giá nhiều hơn 6-10% so với năm ngoái. Những sản phẩm này cũng được giảm xuống mức giá thấp hơn 2-4% so với năm ngoái, do các nhà bán lẻ đánh giá trước sự sụt giảm sức mua.

Người mua sắm đeo khẩu trang khi đi trên đường Oxford ở London. Ảnh: AP.

Nghiên cứu của ông Surico về nước Anh cho thấy những người nhận trợ cấp chính phủ đã quay trở lại mức chi tiêu năm 2019 vào tháng 6. Trong khi đó, chi tiêu của những người không được chính phủ hỗ trợ vẫn thấp hơn 30% so với mức của năm ngoái.

Tuy nhiên, dữ liệu giao dịch thẻ từ công ty phân tích Fable Data cho thấy doanh số bán lẻ của Anh đã tăng trong tháng 8 và sẽ phục hồi trên mức của năm 2019 vào cuối tháng. Người tiêu dùng đã chuyển chi tiêu từ giải trí, thư giãn và đi lại sang ôtô, bảo dưỡng ôtô, cải tiến nhà cửa và đồ thể thao, theo dữ liệu.

Hiện tại, các nhà bán lẻ hàng tạp hóa vẫn hưởng lợi từ những người tự nấu ăn chứ không đi nhà hàng. Doanh số bán trái cây và rau tươi tại Aldi - nhà bán lẻ hàng tạp hóa lớn thứ hai của châu Âu - tại Đức tiếp tục cao hơn bình thường, một người phát ngôn cho biết.

Song, ở Bồ Đào Nha - nơi số ca nhiễm vẫn gia tăng đều kể từ tháng 6, dẫn đến việc phong tỏa một phần và sụt giảm du lịch khiến hàng nghìn việc làm bị đe dọa - số liệu của tháng 8 đã chỉ ra rằng doanh số bán hàng tạp hóa giảm, theo mạng lưới tạp hóa Bồ Đào Nha APED.

“Mức tiêu thụ không chỉ giảm vì mọi người sợ đến cửa hàng”, người đứng đầu APED Goncalo Lobo Xavier nói với Reuters. "Họ cũng lo lắng về vấn đề tài chính".

Theo  Zing