leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ: SCMP 

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, đối với Baek Hwi-jeong, quốc tịch Hàn Quốc, Trung Quốc không chỉ là quê hương của cô trong gần ¼ thế kỷ qua, đây còn là mảnh đất đã cùng cô vun đắp gia đình và giúp cô trở thành nữ doanh nhân dày dạn kinh nghiệm.

Vào năm 1998, ở tuổi 30, cô Baek đã cùng chồng và cậu con trai 1 tuổi đến Trung Quốc trong bối cảnh châu Á đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Đây cũng là thời điểm chứng kiến làn sóng người Hàn Quốc đổ đến định cư ở Trung Quốc, hình thành các cộng đồng ở nhiều thành phố lớn, chỉ vài năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào giữa năm 1992.

Cô Baek coi đây là một cơ hội. Năm 2001, sau khi chuyển từ Bắc Kinh đến Thâm Quyến, cô đã thành lập một công ty kinh doanh tạp chí nhắm mục tiêu đến dân số người Hàn ngày càng tăng ở vùng đô thị đang bùng nổ phía nam. Tạp chí tiếng Hàn được phát hành miễn phí - Kyomin Segye - đã đạt được thành công lớn nhờ đăng các quảng cáo trả phí cho nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác nhau tại Trung Quốc.

“Trong 10 năm đầu, có khoảng 100 đến 150 quảng cáo trên tạp chí hàng tuần. Có thời điểm, tạp chí dày tới 2cm vì quá nhiều quảng cáo. Mỗi tháng chúng tôi sẽ in khoảng 40.000 bản”, cô nhớ lại. Song cho đến nay, dù công kinh doanh vẫn hoạt động, đó chỉ còn là “lớp vỏ”của chính nó trước đây và những ngày vinh quang đã kết thúc.

Hai năm rưỡi chìm trong đại dịch COVID-19, với các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, 2 trụ cột trong mô hình kinh doanh béo bở một thời của cô Baek về cơ bản đã bị xóa sổ. Người phụ nữ chia sẻ công việc kinh doanh của cô đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của COVID-19. Ngày nay, Tạp chí Kyomin Segye chỉ xuất bản trực tuyến 2lần/tháng và số lượng quảng cáo đã giảm xuống còn chỉ khoảng 20, buộc cô phải sa thải một phóng viên và thiết kế đồ họa.

“Với việc xuất bản trực tuyến, tôi hầu như không đủ sống và không có cách nào kiếm tiền như trước đây. Tôi đang giả vờ như chúng tôi đã không phá sản, trong khi chúng tôi thực sự đang trải qua điều đó”, cô nói.

leftcenterrightdel
Chính sách "không COVID" của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Ảnh: Bloomberg 

Câu chuyện của cô Baek là minh chứng rõ nét nhất về tác động khiến nhiều người Hàn Quốc quyết định rời khỏi Trung Quốc trong đại dịch. Lý do phổ biến nhất gây ra tình trạng này là do biện pháp “không Covid” của chính phủ đã bóp nghẹt nguồn sinh kế của họ.

Không chỉ ở giới doanh nhân, xu hướng rời Trung Quốc dường như đã lan sang cộng đồng sinh viên Hàn Quốc. Nhiều sinh viên nói rằng họ rời đi vì các chính sách của Chính phủ Trung Quốc, “các giá trị Hàn Quốc” và cách sống của họ đã không phù hợp với cuộc sống tại đây. Nhưng dù lý do là gì, các chuyên gia về quan hệ Hàn - Trung nhận định làn sóng rời khỏi Trung Quốc của cả 2 nhóm đều đáng lo ngại.

Ông Chung- 49 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, người điều hành một trung tâm dạy kèm tiếng Trung cho người Hàn - đã cư trú hơn 20 năm tại Diên Cát, tỉnh Cát Lâm. Ông cho biết: “Tôi có cảm giác như khoảng 50% người Hàn Quốc từng sống ở Diên Cát đã rời đi trong đại dịch. Thực tế của vấn đề là nền kinh tế đã quá tồi tệ. Khi toàn thành phố ngừng hoạt động, bạn không thể làm việc trong khoảng một tháng, điều đó có nghĩa là bạn không có thu nhập”.

Diên Cát đã phong tỏa toàn thành ba lần kể từ năm 2020. Ngoài ra, giới chức cũng tiến hành nhiều đợt phong tỏa cấp quận, huyện.

Ở Đông Hoản, thành phố công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, cũng có rất nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại các nhà máy ở đây. Theo bà Jeong Soo-jeong - 50 tuổi, người đã sống ở Đông Hoản từ năm 2008 và điều hành một doanh nghiệp gia sư cho sinh viên nước ngoài - tin tức về các doanh nghiệp Hàn Quốc phá sản hoặc các công ty chuyển đến các nước khác đã ngày càng phổ biến

“Trong thời gian phong tỏa toàn thành phố, cứ mỗi ngày, sẽ có một vài nhà máy do người Hàn Quốc làm chủ bị phá sản”, bà Jeong nói và cho biết mọi người rời đi không hoàn toàn vì cảm thấy bức bối với tình trạng phong tỏa. “Nó còn hơn thế nữa, sinh kế của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu tôi là một doanh nhân thường phải đi công tác nước ngoài, rõ ràng là vô cùng bất tiện khi sống tại Đông Hoản lúc này”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ: eastasiaforum 

Ông Park Chang-joo, 60 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, đã làm việc trong ngành thương mại ở Thượng Hải 20 năm, cũng nói rằng ông nhận thấy nhiều mối lo về tài chính. Nhưng không phải ai cũng có thể rời Trung Quốc một cách đơn giản. Đối với hầu hết người Hàn Quốc, gánh nặng của việc rời khỏi đây và bắt đầu lại cuộc sống ở nơi khác dường như là một thách thức khó khăn hơn những gì họ đang phải đối mặt ở Trung Quốc, ngay cả sau 2 tháng Thượng Hải phong toả.

“Thực tế mà nói, tôi nghĩ rằng có nhiều người cảm thấy vô cùng khó khăn khi rời khỏi đây và chuyển đến một nơi khác. Sau khi phong tỏa , tôi nghe nhiều người nói đùa rằng họ muốn rời đi, nhưng tôi chưa thực sự thấy nhiều người làm điều đó. Tôi đã nghĩ đến việc trở lại Hàn Quốc, nhưng tôi vẫn tin rằng có nhiều cơ hội ở Trung Quốc hơn là ở Hàn”, ông Park nói.

leftcenterrightdel
Học sinh Hàn Quốc. Ảnh:DW 

Trong khi đó, số lượng sinh viên Hàn Quốc chọn du học Trung Quốc đã giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tổng số học sinh đã giảm khoảng 43% từ khoảng 47.000 vào năm 2020 xuống gần 27.000 vào năm 2021. Bên cạnh đó, đại diện Hội sinh viên Hàn Quốc tại Đại học Bắc Kinh và Đại học Chiết Giang đều cho rằng số lượng sinh viên năm nhất giảm dần trong suốt đại dịch là điều đáng chú ý.

Một số chuyên gia nhận định làn sóng người Hàn ồ ạt rời khỏi Trung Quốc cũng có thể là điềm báo không tốt cho mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ông Moon Heung-ho, Giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Hanyang, cho biết ông tin rằng việc chuyển đi là hệ quả của tình trạng suy thoái chung trong quan hệ song phương trong những năm gần đây.

“Cả hai chính phủ nên nỗ lực vì sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Hàn - Trung. Đặc biệt, giới chức cần cần phải đề ra một kế hoạch để cải thiện nhận thức của giới trẻ Hàn Quốc đối với Trung Quốc, vốn đang xấu đi nhanh chóng trong thời gian gần đây ”, ông Moon, chuyên gia về kinh tế và thương mại Trung Quốc, cho biết.

  Theo baotintuc