Robot sẽ thay thế con người làm những việc thủ công, có tính lặp lại - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP
Những cánh tay robot màu cam hàn và lắp mọi thứ với độ chính xác cao. Camera âm thầm giám sát các bộ phận khi chúng di chuyển trên dây chuyền lắp ráp. Robot lặng lẽ vận chuyển vật liệu và thành phẩm ra khỏi tòa nhà mà không có sự giám sát của con người.
Cứ thế, con người đã bị loại khỏi dây chuyền lắp ráp này, bị thay thế bằng robot và những kỹ sư giám sát hoạt động của chúng thông qua các bảng điều khiển có thể được truy cập bằng thiết bị di động.
Cánh tay robot màu cam làm việc trong nhà máy sản xuất lò vi sóng của Midea - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP
Theo SCMP, khung cảnh trên diễn ra bên trong nhà máy sản xuất lò vi sóng hiện đại ở thành phố Phật Sơn (Trung Quốc), do Midea - một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới điều hành.
Xu Nian’en - giám đốc của nhà máy Midea này cho biết trước đây họ cần 16 người thì nay chỉ cần 4 người. Trong 6 năm qua, công ty đã đầu tư 4 tỉ nhân dân tệ (622 triệu USD) để chuyển mình, nâng cao hiệu quả lên 62% và giảm 50.000 nhân công.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc số hóa nhanh chóng, nhà máy của Midea đại diện cho một bức tranh về tương lai, khi đó các quy trình sản xuất và nhân viên cần phải thích ứng với tự động hóa và học tập thông qua máy móc.
Đây là một thách thức đối với Trung Quốc khi đất nước được coi là công xưởng thế giới đang đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học sẽ ảnh hưởng đến môi trường làm việc của nhiều thế hệ.
Cuộc khảo sát điều tra dân số kéo dài 10 năm của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) vừa công bố kết quả ngày 11.5, cho thấy dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc chiếm 63,35% tổng dân số vào năm ngoái, giảm 6,79% so với 10 năm trước.
Wang Xiaosong - Giáo sư kinh tế tại Đại học Renmin than thở trên một diễn đàn trực tuyến: "Tỷ lệ dân số có khả năng lao động ngày càng thấp".
Theo Lu Jiehua - Giáo sư nghiên cứu dân số tại Đại học Bắc Kinh, vào năm 2020, con số này chỉ bằng 3/4 so với năm 2011 và sẽ giảm xuống chỉ còn hơn một nửa vào năm 2050.
Giám đốc công nghệ thông tin của Midea Zhou Xiaoling nói với SCMP rằng công nhân trẻ ngày càng ít quan tâm đến những công việc trong nhà máy. Mặt khác, số liệu điều tra lại cho thấy sự tiến bộ trong giáo dục, nhờ đó số người đạt trình độ đại học tăng từ 8,93% năm 2010 đến 15,5% năm 2020, đưa Trung Quốc vượt lên các nước đang phát triển.
Nhà máy Midea có cảm biến và camera được kết nối 5G để theo dõi chuyển động của nhân viên, xe đạp và xe tải trong khuôn viên - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
SCMP Đây là lời hứa về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sẽ giải quyết những công việc thủ công có tính lặp lại, còn con người sẽ tham gia những công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn trong tương lai.
Yuan Jing - phó quản lý của một nhà máy sản xuất thiết bị giáo dục ở tỉnh Hà Bắc cho biết: "Thế hệ ở độ tuổi 20 ngày nay chỉ thích các công việc dịch vụ như livestream hay ngồi văn phòng".
Do đó, hàng nghìn nhà máy trên khắp đất nước phải nỗ lực thay thế con người bằng tự động hóa, robot hóa và số hóa.
Công ty của Yuan đang tăng gấp đôi công nghệ mới tại cơ sở đang xây dựng, đầu tư khoảng 60 triệu nhân dân tệ (9,4 triệu USD) vào tự động hóa, dự kiến giảm khoảng một nửa số công nhân cần thiết cho vài quy trình. Midea có kế hoạch thay thế thêm 30% nhân viên tuyến đầu trong 3 năm tới với sự trợ giúp của số hóa và tự động hóa.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc dần chuyển mình từ một quốc gia lao động giá rẻ và kỹ năng thấp - nơi sản xuất mọi thứ từ đồ chơi nhựa rẻ tiền đến iPhone mới - thành trung tâm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn.
Các nhà máy ở Trung Quốc hiện áp dụng AI để thu thập lượng lớn dữ liệu và tự động hóa nhiều quy trình, trong khi chính phủ đưa ra chính sách điều chỉnh và cung cấp dữ liệu để thúc đẩy internet công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Đồng thời, các công ty cũng xây dựng trung tâm dữ liệu để cung cấp dịch vụ đám mây. Việc mở rộng mạng 5G của nhà nước sẽ hỗ trợ các nhà máy thông minh và nhu cầu tự động hóa của họ.
Sự thay đổi này xuất phát từ những nỗ lực của nhà nước và chính quyền địa phương, chẳng hạn kế hoạch chính sách công nghiệp Made in China 2025, hoặc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất robot và doanh nghiệp tự động hóa dưới hình thức trợ cấp, cho vay lãi suất thấp, giảm thuế...
Theo công ty dịch vụ tài chính Sinolink Securities, đối với ngành công nghiệp robot, chính phủ Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp chiếm khoảng 20% lợi nhuận ròng của quốc gia.
Trung Quốc là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới kể từ năm 2013. Các công ty như Midea đã mở đường bằng cách mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka của Đức năm 2017 với giá 4,5 tỉ euro (5,1 tỉ USD).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn được gọi là Công nghiệp 4.0 đề cập đến quá trình sản xuất truyền thống tự động hóa liên tục và nâng cấp các phương thức công nghiệp, đồng thời sử dụng công nghệ thông minh hiện đại để đạt được tăng trưởng hiệu quả và có lợi hơn.
Kỹ thuật viên làm việc trên dây chuyền thử nghiệm của một nhà máy ở Phật Sơn, Trung Quốc - ẢNH: BLOOMBERG
Trong bài phát biểu vào tháng trước, Zhu Min - cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc gia của Đại học Thanh Hoa cho biết: "Quá trình số hóa có nghĩa là thay đổi khả năng cạnh tranh cốt lõi của một quốc gia ở cấp độ cơ bản. Giá nhân công để sản xuất một chiếc máy điều hòa không khí Midea ngày nay chỉ khoảng 10 nhân dân tệ (1,6 USD) - đây là điều không thể tưởng tượng được trong quá khứ".
Theo Xu Shaoyuan - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước, sự suy giảm và già hóa dân số trong độ tuổi lao động không tác động đáng kể đến các ngành công nghiệp, vì tiến bộ công nghệ đang diễn ra nhanh chóng hơn tình trạng nhân khẩu học thay đổi.
Tuy nhiên, lực lượng lao động robot ở Trung Quốc chưa bằng con người. Theo số liệu tháng 1 từ Liên đoàn Robot Quốc tế, ở Trung Quốc chỉ có 187 robot/10.000 nhân viên. Trong khi đó, Singapore có mật độ robot cao nhất với 918 robot, theo sau là Hàn Quốc với 868 robot/10.000 nhân viên.
Theo thanhnien