Các nam thanh niên Mỹ 18-25 tuổi suốt nhiều thập kỷ qua phải thực hiện một quy trình bắt buộc là đăng ký với chính phủ để đề phòng trường hợp nước này tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự và phát lệnh tổng động viên.
Từ khi Mỹ chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ năm 1973 để chuyển sang chế độ tuyển quân tự nguyện, hoạt động đăng ký tòng quân này gần như chỉ mang tính hình thức, khi thanh niên Mỹ chỉ đơn giản là đánh dấu vào tờ đơn. Nhiều người đăng ký tòng quân nhằm xin hỗ trợ tài chính khi học đại học hoặc thi lấy bằng lái xe.
Nhưng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran leo thang sau vụ không kích hôm 3/1 giết chết thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, nhiều người lo sợ một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông nổ ra và Mỹ có thể tái áp đặt chế độ nghĩa vụ quân sự để huy động thêm lực lượng đối phó Iran.
Cụm từ "Thế chiến III" đột nhiên trở thành xu hướng trên mạng xã hội Mỹ, khi nhiều người bày tỏ nỗi lo sợ vì nhớ ra rằng mình đã đăng ký tòng quân với chính phủ. Một người dùng Twitter thậm chí còn chặn tài khoản của Lục quân Mỹ với lập luận sai lầm rằng "Họ không thể gọi bạn nhập ngũ nếu không thấy bạn".
Nỗi sợ về nguy cơ phải tòng quân phục vụ một cuộc chiến mới khiến lưu lượng truy cập tăng đột biến làm sập trang web của Hệ thống Tuyển quân (SSS), cơ quan của chính phủ Mỹ duy trì cơ sở dữ liệu về những người đủ điều kiện tòng quân.
"Do thông tin sai lệch phát tán, trang web của chúng tôi có lưu lượng truy cập cao tại thời điểm này. Chúng tôi đánh giá cao sự kiên nhẫn của các bạn", SSS đăng trên Twitter ngày 3/1.
|
Binh sĩ Mỹ bảo vệ đại sứ quán tại Baghdad, Iraq sau vụ người biểu tình tràn vào đốt phá ngày 31/12/2019. Ảnh:Reuters. |
Giáo sư sử học Jennifer Mittelstadt tại Đại học Rutgers cho biết Mỹ thi hành chính sách nghĩa vụ quân sự lần đầu trong Nội chiến 1861-1865, sau đó tiếp tục được sử dụng dưới một số hình thức trong vài cuộc chiến tranh sau đó. Mỹ bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự năm 1973 và quân đội nước này hiện có 1,2 triệu binh sĩ tình nguyện.
Để phát lệnh tòng quân, quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua đạo luật khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự để tổng thống ký thông qua, điều đòi hỏi sự hậu thuẫn chính trị rộng rãi tại Mỹ. "Việc đăng ký tòng quân không có nghĩa bạn bắt buộc phải phục vụ trong quân đội", Mittelstadt nói.
Tuy nhiên, nếu nam thanh niên Mỹ không đăng ký tòng quân, họ có thể phải chịu hình phạt hành chính trọn đời. "Những người không đăng ký có thể bị từ chối hỗ trợ tài chính của liên bang và không được làm việc cho chính phủ liên bang", Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quân sự, Quốc gia và Dịch vụ công Joe Heck cho biết.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng nghiêm trọng sau vụ không kích giết chết tướng Soleimani. Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei thề sẽ "báo thù" cho thiếu tướng Soleimani, trong khi Gholamali Abuhamzeh, một chỉ huy của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tuyên bố nước này đã "xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm" và ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz.
Hai quả đạn cối tối 4/1 rơi vào Vùng Xanh, nơi có sứ quán Mỹ ở Baghdad và hai quả rocket nhắm mục tiêu vào căn cứ phía bắc thủ đô của Iraq, nhưng không gây thương vong. Hiện chưa rõ bên nào thực hiện các vụ tấn công.
Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ sẽ tấn công "rất nhanh và dữ dội" vào 52 mục tiêu quan trọng của Iran nếu nước này báo thù cho tướng Soleimani. Lầu Năm Góc hôm 3/1 thông báo khoảng 3.500 lính thuộc lữ đoàn Lực lượng Phản ứng Tức thời (IRF) của Sư đoàn Dù 82 sẽ được điều tới Kuwait để đối phó mối đe dọa gia tăng với lực lượng Mỹ trong khu vực.
Theo
vnexpress