Theo báo cáo mới nhất của tổ chức từ thiện Food Foundation, tại Vương Quốc Anh, thực phẩm tươi sống đắt đỏ hơn nhiều so với những món ăn không lành mạnh, chứa nhiều chất béo.

Đi kèm với đó là tình trạng trẻ em béo phì tăng nhanh ở Anh và Scotland, nhất là trong những gia đình không mấy dư dả.

Khi đại dịch ập đến, vấn nạn thiếu lương thực lại càng làm trầm trọng hơn tình trạng trên, kéo theo các bệnh khác liên quan đến dinh dưỡng.

Đồ ăn nhanh là nguyên nhân chính gây ra nạn béo phì ở Vương quốc Anh. Ảnh: Getty.

“Covid-19 đã vạch trần hậu quả nghiêm trọng của những căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, cho thấy nỗ lực chuyển hệ thống đồ ăn nhanh sang chế độ ăn uống lành mạnh của Vương quốc Anh là quá muộn”, Anna Taylor, Giám đốc điều hành Food Foundation, khẳng định.

Bà nói thêm: “Dịch bệnh cũng đẩy nhiều người vào cảnh nghèo túng. Do đó, giá thực phẩm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ phải đứng giữa lựa chọn bảo đảm gia đình đầy đủ dinh dưỡng hoặc không bị chết đói”.

Báo cáo của Food Foundation sử dụng 10 chỉ số để cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống thực phẩm ở Vương quốc Anh. Trong đó, thu nhập, khả năng tiếp cận các cửa hàng ăn nhanh và những chiến dịch quảng cáo của loại thực phẩm không lành mạnh là những chỉ số quan trọng hơn cả.

“Mặc dù mỗi cá nhân là người đưa ra lựa chọn mua bán sản phẩm, chính phủ và các doanh nghiệp định hình và chỉnh sửa thị trường tiêu dùng. Do vậy, lựa chọn của chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi thu nhập, giá cả, khuyến mại, quảng cáo và những thứ dễ có sẵn”, Laura Sandys, Chủ tịch Food Foundation, cho biết.

“Tôi tin rằng không có chuyện chúng ta được tự do lựa chọn giữa thực phẩm lành mạnh và gây hại cho sức khỏe”, bà nói thêm.

Hơn 1/3 trẻ em ở Anh bị thừa cân, béo phì sau khi học hết tiểu học. Ảnh: Alamy.

Trên thực tế, sự chênh lệch giữa chi phí của thực phẩm tươi sống, lành mạnh và đồ ăn nhanh khá lớn, rơi vào khoảng 5,2 bảng Anh.

“Thực phẩm không lành mạnh rẻ hơn nhiều vì các nguyên liệu chính được sản xuất hàng loạt. Chúng cũng được tạo ra ở dạng dễ bảo quản, không thể hư hỏng”, Taylor cho biết.

Chính phủ vào cuộc


Các số liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cũng cho thấy những khu vực nghèo nhất của Anh lại là điểm tập trung của đồ ăn nhanh. Số lượng cửa hàng được tìm thấy ở những cộng đồng này nhiều gấp 5 lần so với những khu dân cư giàu có.

Ngoài ra, các cửa hàng thức ăn nhanh, bao gồm quầy bán khoai tây chiên, hamburger và pizza, chiếm 26% tổng số địa điểm ăn uống ở Anh.

Với tình hình hiện tại ở Vương quốc Anh, hơn một nửa số trẻ em sinh ra trong năm nay sẽ mắc các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đối tượng này đến năm 65 tuổi. Hiện thị trường thực phẩm có chút thay đổi tích cực, song vẫn chưa đủ.

Khu dân cư nghèo là nơi tập trung nhất của các cửa hàng đồ ăn nhanh. Ảnh: CNN.

Ngày 30/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận ông bị “quá cân” và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị Covid-19. Trước khi nhập viện, ông nặng hơn 110 kg, theo CNN.

“Khi tôi được đưa vào phòng cấp cứu, thể trạng của tôi rất kém. Tôi quá cân so với chiều cao 1,77 m của mình. Tôi luôn muốn giảm cân trong nhiều năm qua. Cũng giống như mọi người, cân nặng của tôi lên xuống thất thường. Tuy nhiên, sau khi hồi phục từ Covid-19, tôi quyết tâm điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt của mình”, thủ tướng Anh chia sẻ.

Các bộ trưởng Anh kêu gọi người dân nước này hãy coi khủng hoảng Covid-19 như "một lời cảnh tỉnh cấp bách" về sự nguy hiểm của bệnh béo phì. Một nghiên cứu gần đây cho thấy căn bệnh này làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong cho bệnh nhân Covid-19.

Ngày 27/7, Anh công bố chiến dịch “Better Health” nhằm giải quyết tình trạng béo phì với nhiều biện pháp cụ thể, bao gồm cấm chiếu quảng cáo đồ ăn vặt sau 21h và chấm dứt các chương trình khuyến mãi với đồ ăn nhiều calo.

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng yêu cầu các loại thực phẩm và rượu bia phải có nhãn ghi thông tin hàm lượng calo. Các cơ sở y tế công thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cũng sẽ cung cấp dịch vụ quản lý cân nặng cho người dân.

 

Theo  Zing