Theo tạp chí Spa!, ngày càng nhiều người Nhật bỏ rơi, đôi khi chỉ đơn giản là biến mất, để lại cha mẹ già bơ vơ. Đó là trường hợp một phụ nữ mòn mỏi chờ đợi trong viện dưỡng lão tại vùng Tohoku, Nhật Bản.

“Khi nào con trai tôi đến?”, bà thường lẩm bẩm một mình.

Không ai ở bên, không ai lắng nghe tâm sự của người phụ nữ. Con trai của bà ngoài 40 tuổi, đang sống ở Tokyo. Người mẹ gặp con lần cuối cách đây 5 năm.

Lúc đầu, con trai bà đến thăm mẹ 3 tháng/lần, sau đó 6 tháng, rồi mỗi năm một lần. Không ai biết khi nào anh ta sẽ lại đến.

Spa! đã khảo sát 300 đàn ông trong độ tuổi 30-59 về mối quan hệ của họ với cha mẹ. Chỉ có 74 người nói rằng họ quan tâm đầy đủ đến đấng sinh thành, trong khi 19 người thừa nhận không làm gì cả.

143 cho biết họ thanh toán các hóa đơn cho cha mẹ nhưng không có động thái chăm sóc nào khác. Nói chung, việc già đi trong xã hội Nhật Bản là điều khắc nghiệt.

Nhieu nguoi Nhat bo roi cha me gia vi ganh nang tien bac anh 1

Ngày càng nhiều người Nhật bỏ rơi, đôi khi chỉ đơn giản là biến mất, để lại cha mẹ già bơ vơ. Ảnh:Andy Rain/BBG News.

“Điều đó đôi khi cũng chẳng dễ dàng gì với con cái”, Yoshiyuki Kinoshita (không phải tên thật) đã từ bố đẻ để có thể sống “cuộc đời của chính mình”. Tuy nhiên, anh đôi khi thấy hối hận, tự hỏi liệu mình có làm đúng.

Khi Yoshiyuki học tiểu học, bố mẹ anh ly hôn. Yoshiyuki sống với mẹ. Dù ít gặp nhau, bố khá chiều chuộng, đáp ứng mọi thứ Yoshiyuki thích.

Ông làm ăn phát đạt nhờ kinh doanh bất động sản nên thường đưa Yoshiyuki đi chơi, cho con trai tiền tiêu xài. Yoshiyuki rất yêu quý bố, nhưng cũng gần gũi với mẹ. Anh hiểu mẹ đã vất vả như thế nào để một mình nuôi con khôn lớn.

Yoshiyuki học hành chăm chỉ, tốt nghiệp đại học và xin được việc làm trong ngân hàng địa phương.

Năm 2008, nền kinh tế đi xuống. Yoshiyuki vẫn giữ được công việc, nhưng bố anh bị phá sản. Ông lao vào uống rượu để giải sầu. Yoshiyuki chứng kiến cha mình biến chất thành kẻ nghiện rượu, hay làu bàu.

Nhieu nguoi Nhat bo roi cha me gia vi ganh nang tien bac anh 2

Áp lực tài chính khiến nhiều người trưởng thành Nhật Bản không chăm sóc cha mẹ ngày càng già yếu của mình. Ảnh:Yuriko Nakao/Bloomberg.

Người cha thường gọi điện cho Yoshiyuki để xin tiền.

“Bố không đủ tiền trả cước điện thoại di động. Cho bố vay 10.000 yen. Cho bố mượn 20.000 yen… Cứ thế. Mọi chuyện cứ tiếp tục leo thang”, Yoshiyuki nói với Spa!.

Bản thân Yoshiyuki chỉ kiếm được hơn 200.000 yen/tháng. Anh còn phải trang trải khoản vay từ thời sinh viên cho việc học.

Để giúp đỡ cha, Yoshiyuki lao vào nợ nần chồng chất. Trước khi nhận ra, anh đã vay tới 5 triệu yen. Trong khi đó, anh có ý định kết hôn.

“Tôi không thể là máy ATM của bố mãi mãi”, Yoshiyuki nói.

Anh đưa tối hậu thư cho người cha: “Con sẽ cho bố tất cả số tiền đang có trong tay và chúng ta không còn quan hệ gì nữa. Hoặc bố đừng sống như vậy nữa, con vẫn sẽ là con trai của bố. Bố chọn đi!”.

Cuối cùng, người cha đã chọn tiền. Yoshiyuki chuyển 150.000 yen vào tài khoản của ông và cắt đứt mọi liên hệ.

Ba năm sau, Yoshiyuki đã kết hôn, mẹ anh cũng tái hôn. Hiện Yoshiyuki 34 tuổi, còn cha anh 64 tuổi.

“Tôi không biết bố đang ở đâu, làm gì. Tôi nghĩ ông ấy đã chết trong cô độc vì Covid-19 hay gì đó. Nếu không có ai trông nom mộ bố tôi, thì hãy cứ như vậy đi. Tôi có thể tàn nhẫn, nhưng cũng có cuộc sống riêng của mình”, Yoshiyuki nói.

Theo  Zing