Người đến nhận gạo xúc động, họ nhanh chóng ôm túi gạo về nấu bữa trưa - Ảnh: Trần Kim Anh
"ATM gạo" đã được cải tiến
Được biết, máy "ATM gạo" trên do anh Hoàng Tuấn Anh (cha đẻ máy "ATM gạo") phối hợp với UBND quận Thủ Đức lắp đặt tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức. Thời gian phát gạo là từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, buổi chiều sẽ phát từ 15 giờ - 19 giờ từ ngày 18.4 đến 30.4.
Cũng như những điểm "ATM gạo" khác, những người đến nhận sẽ rửa tay sát khuẩn, tháo nón, đo thân nhiệt tại khu vực phía ngoài. Sau đó, được tình nguyện viên hướng dẫn để vào trong đứng chờ ở vị trí đảm bảo khoảng cách phòng dịch.
Nghe tin có phát gạo miễn phí, từ sáng sớm đã có nhiều người dân đến để nhận. Những phần gạo được gói trong túi giấy cẩn thận, người nhận có thể sử dụng bao giấy để tái nhận gạo lần sau.
Cây "ATM gạo" miễn phí cho người nghèo đầu tiên ở khu vực phía Đông TP.HCM đã đi vào hoạt động lúc 8 giờ ngày 18.4 tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức - Ảnh: Trần Kim Anh
Tại đây người nghèo nhận gạo miễn phí và dùng túi giấy để đựng - Ảnh: Trần Kim Anh
Người già yếu, phụ nữ mang thai, người khuyết tật sẽ được ưu tiên nhận gạo ngay cổng ra vào mà không cần xếp hàng đợi - Ảnh: Trần Kim Anh
Từ sớm, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn đã đến nhận gạo mong có được bữa cơm chiều cho gia đình - Ảnh: Trần Kim Anh
"ATM gạo" được chia thành 2 điểm phát. Những người bị bệnh, lớn tuổi hơn được nhận gạo ở điểm phát gạo trực tiếp được gói sẵn trong túi giấy tại cổng Nhà thiếu nhi do các tình nguyện viên túc trực. Những người khỏe hơn sẽ vào bên trong để xếp hàng nhận gạo.
Đặc biệt, máy "ATM gạo" được lắp đặt lần này là loại máy nhỏ gọn hơn. “Công suất thì cũng như vậy nhưng gọn nhẹ hơn nên mình có thể gửi đi các chỗ xa hơn như các tỉnh thành để không mất thời gian. Chỉ trong vòng một tiếng mình chở máy đến sau 5 phút là có thể xài luôn”, anh Tuấn Anh giải thích thêm.
Người nghèo xúc động nhận gạo
Đến từ rất sớm, bà Mai Thị Năm (74 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) xúc động khi nhận được gạo. Bà tâm sự đã đợi cây "ATM gạo" mấy nay vì nghe thông tin phát gạo ở những nơi khác nhưng không đi xa để nhận gạo được, nay nghe tin thì mừng nên đến nhận sớm. Con cái bà làm ăn thất bại nên bà phải đi bán vé số qua ngày, từ ngày vé số ngừng phát hành thì bà sống dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Mỗi phần có 2 kg, ai cũng ôm gạo bằng hai tay, gương mặt rạng rỡ vì bớt đi phần nào được nỗi lo. Có người bảo sẽ ăn tiết kiệm để ăn được nhiều bữa, có người nói sẽ về nấu một bữa thật no vì lâu nay tiết kiệm.
Mỗi người sẽ đứng đợi trong một ô đã ký hiệu sẵn để giữ đúng khoảng cách an toàn - Ảnh: Trần Kim Anh
Ông Trần Văn Minh (60 tuổi, ngụ Q.9) làm nghề chạy xe ôm truyền thống đã đến từ sớm để nhận gạo miễn phí - Ảnh: Trần Kim Anh
Những tình nguyện viên đứng sau cây ATM gạo liên tục bổ sung gạo vào bồn chứa cho người nhận - Ảnh: Trần Kim Anh
Bà Thủy nhận gạo từ bàn trực ở ngoài cổng, sau đó vội vã ra về, bà nói nhà bà ở tận cuối đường Võ Văn Ngân, đi bộ ngược lên để nhận gạo và phải đi nhanh về để nấu cơm. Bà kể nhà đông người, cả con và cháu tổng cộng 8 miệng ăn nhưng chỉ có một người là con rể đi làm nhưng nay dịch bệnh lại càng khó khăn hơn.
Kể rồi bà nhìn xuống bịch gạo trầm ngâm: “Mỗi bữa ăn đến 5 lon gạo nên từng này chắc sẽ ăn được một ngày”.
2kg gạo có thể là 1 - 2 ngày ăn của gia đình bình thường nhưng đó lại là bữa ăn cả tuần của bà Phạm Thị Trúc (67 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cùng đứa cháu nuôi 10 tuổi đi nhặt ve chai mỗi ngày. Một túi gạo với bà là sự giải cứu hai bà cháu khỏi những bữa ăn rau không liên tục.
Người đến nhận gạo xúc động, dù chỉ 2kg nhưng cũng giúp họ có được vài bữa cơm no đủ - Ảnh: Trần Kim Anh
Vì đang bị bệnh về khớp, đi lại khó khăn nên cô Phương được nhận gạo ngay tại cổng Nhà thiếu nhi - Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Nghe tin có "ATM gạo", nhiều người đã đi bộ quãng đường xa để mong có bữa cơm no cho gia đình - Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Nhiều người đến ủng hộ chi phí để quỹ gạo tiếp tục được duy trì - Ảnh: Trần Kim Anh
“Tôi không có tiền cũng không có ai để nhờ vả, hai bà cháu cứ ăn rau, thỉnh thoảng có nhận được mì gói ủng hộ và không biết đến ngày nào mới ăn được hạt cơm ấm bụng. Tối qua tôi nghe tin ở đây có phát gạo miễn phí tôi nghĩ là ông trời đã thấy mình và cháu mình rồi, chúng tôi được cưu mang rồi”, bà Trúc nói.
Trước sự ủng hộ của bà con, anh Tuấn Anh cũng bộc bạch trong vòng mười mấy ngày tới sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận và các cá nhân để cố gắng lắp đặt từ 50 - 100 máy "ATM gạo" khác cho bà con ở nhiều tỉnh thành để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác qua mùa dịch.
Theo thanhnien