Trong ngày đầu tiên đi làm với chiếc khẩu trang in hình nắm đấm và dòng chữ “Black Lives Matter” (mạng sống của người da đen quan trọng), Ma’Kiya Congious không hề nhận được bất kỳ phản hồi tiêu cực nào. Một số khách hàng thậm chí còn tỏ ý khen ngợi chiếc khẩu trang mà cô đeo trên mặt.

Tuy nhiên, vào ngày 3/8, một khách hàng da trắng dọa sẽ gọi điện đến văn phòng của chuỗi Whataburger để phàn nàn về chiếc khẩu trang của Congious.

Theo lời kể của người phụ nữ da màu 19 tuổi, một chuỗi các sự việc diễn ra sau đó đã khiến cô mất việc và quản lý của Congious thậm chí yêu cầu sự hỗ trợ từ phía cảnh sát.

Ma’Kiya Congious cho biết vào ngày 31/7, khi mới đeo khẩu trang Black Lives Matter đến cửa hàng làm việc, không ai có ý kiến hay phàn nàn gì về thông điệp cô muốn truyền tải. Ảnh: Washington Post.

Vào ngày 23/9, Congious đã đệ đơn khiếu nại lên giới chức của bang Texas. Cựu nhân viên thu ngân của Whataburger cho rằng cô mất việc vì bị phân biệt chủng tộc, cụ thể là do màu da và thông điệp được truyền tải trên chiếc khẩu trang của mình.

“Khẩu hiệu ‘Black Lives Matter’ không liên quan đến vấn đề chính trị. Đó đơn giản là một lời khẳng định rằng mạng sống của chúng tôi (người da màu) đáng được bảo vệ”, Congious nói trong buổi họp báo hôm 24/9.

Những chiếc khẩu trang bị bài trừ


Sự việc xảy ra với Congious chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người Mỹ gốc Phi cáo buộc bị chủ lao động đối xử bất công vì ủng hộ phong trào Black Lives Matter.

Cách đây không lâu, một trường bán công ở San Antonio, Texas, đã sa thải một giáo viên mỹ thuật vì cô nhất quyết đeo khẩu trang có dòng chữ “Black Lives Matter” đến lớp.

Một chủ cửa hàng ở Milwaukee, Winsconsin, đã nảy sinh mâu thuẫn, chấm dứt hợp đồng và xô xát với tài xế giao hàng của mình vì ông này cương quyết bảo vệ thông điệp in trên chiếc khẩu trang Black Lives Matters của mình.

Vào cuối tháng 7, 14 công nhân làm việc tại các chi nhánh của Whole Foods trải khắp 4 bang khác nhau đồng loạt ký vào đơn kiện cáo buộc chuỗi siêu thị thuộc Amazon đã tìm cách trả đũa họ vì đeo khẩu trang Black Lives Matter.

Diễn biến của những vụ việc nói trên có nhiều điểm tương đồng: những người ủng hộ phong trào Black Lives Matter mang khẩu trang đến nơi làm việc do dịch Covid-19, sau đó họ cáo buộc chủ lao động tìm cách bài trừ hoặc loại bỏ thông điệp mà khẩu trang của họ truyền tải, trong khi lại lờ đi những khẩu hiệu ủng hộ LGBTQ hay nữ quyền khác.

Trong khi đó, các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp cho biết họ đang cố thực thi những chính sách nhất quán, ngăn các yếu tố chính trị ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh hay trường học.

“Nếu chúng tôi cho phép nhân viên sử dụng bất kỳ khẩu hiệu nào ngoài đồng phục của Whataburger, chúng tôi sẽ phải cho phép tất cả các loại khẩu hiệu. Điều này có thể tạo ra xung đột giữa nhân viên và khách hàng. Với tư cách là một thương hiệu có trách nhiệm, chúng tôi cần phải hành động để đảm bảo an toàn cho cả nhân viên lẫn khách hàng của Whataburger”, đại diện chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cho biết hôm 24/9.

Mâu thuẫn với nhà quản lý


Theo lời kể của Congious, sau khi nhận được ý kiến tiêu cực từ khách hàng về chiếc khẩu trang Black Lives Matter, các quản lý nói với Congious và các đồng nghiệp của cô rằng họ phải đeo loại khẩu trang “không hàm chứa quan điểm cá nhân nào”.

“Cô có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, điều đó cũng ổn thôi. Nhưng tại Whataburger, chúng tôi không muốn truyền tải những thông điệp đó, vì một số người có thể cảm thấy bị xúc phạm”, băng ghi âm của Congious ghi lại lời một quản lý của cô. Công ty “không muốn dính líu đến chính trị, vì Whataburger đơn thuần là doanh nghiệp bán bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên”.

Congious đang trong quá trình gửi khiếu nại và đệ đơn kiện Whataburger. Ảnh: Washington Post.

Người quản lý nói thêm rằng Whataburger đã phát cho nhân viên những chiếc khẩu trang có in nhãn hiệu của công ty. Congious đáp trả rằng cô đã thấy một số nhân viên thuộc các chi nhánh khác đeo khẩu trang với biểu tượng Gucci hoặc có in cờ Mexico.

Giữa lúc cuộc đối thoại trở nên căng thẳng, Congious hỏi quản lý của mình về quy trình nộp yêu cầu thời hạn 2 tuần (two week notices - 2 tuần là thời hạn tiêu chuẩn và là một cách lịch sự để báo cho chủ lao động về quyết định nghỉ việc).

“Cô muốn đưa ra thông báo 2 tuần? Được, chúng tôi chấp nhận yêu cầu nghỉ việc và cô không cần phải quay lại”, người quản lý trả lời.

Trong đơn khiếu nại, Congious ghi rõ rằng bản thân chưa đưa ra quyết định nghỉ việc, cô chỉ cân nhắc các lựa chọn của mình. Nhưng khi cô phản đối những gì mà người quản lý nói và không rời khỏi cửa hàng, những người đứng đầu chi nhánh Whataburger đã gọi cảnh sát.

Whataburger cho biết trong một thông cáo rằng Congious đã “tự nguyện nghỉ việc do các bất đồng về chính sách đồng phục của công ty” và nhận đủ tiền lương trong hai tuần mà cô dự kiến làm việc.

Congious hiện đã nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư Jason C.N. Smith để nộp khiếu nại lên Ủy ban Lao động Texas và đệ đơn kiện Whataburger về hành vi phân biệt chủng tộc.

Theo  Zing