Quang cảnh đậm chất Việt của Saigon Cafe.
Cái Tết đầu tiên của tôi ở Indonesia hóa ra không cô đơn và trống vắng như tôi từng tưởng tượng.
Gia đình tôi được mời tham gia bữa tiệc mừng Xuân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta, Indonesia. Tại buổi tiệc ấm cúng và đầy ắp tình người ấy, với sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Việt, tôi để ý rằng một số món ăn được chính các nhân viên của Đại sứ quán dày công chuẩn bị, những món còn lại do nhà hàng Việt Nam – Saigon Café đảm trách.
Trong khi những món ăn do các nhân viên đại sứ quán tự tay nấu khiến tôi ngất ngây cảm giác hạnh phúc Tết, những món ăn của Saigon Café cũng chinh phục tôi không kém chúng được bày trí đẹp và sang trọng, với mùi vị và hương thơm đậm chất Việt Nam.
Những món ăn đậm chất Việt và vô cùng ngon mắt.
Sau này, tôi được biết Saigon Café là một trong những địa điểm ẩm thực Việt Nam uy tín nhất ở Jakarta. Ngoài việc thường xuyên phục vụ cho các buổi tiệc của Đại sứ quán Việt Nam, Saigon Café đã vinh dự là đơn vị cung cấp các món ăn trong buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức đến Jakarta vào năm 2017. Nhà hàng cũng thường xuyên đón tiếp những nhân vật có tầm ảnh hưởng đến Indonesia, trong đó có cựu Tổng thống Megawati.
Chủ của nhà hàng Saigon Café, hóa ra, là một người phụ nữ dịu dàng và xinh đẹp - chị Lê Thị Tuyết Mai. Từng là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc ở Sài gòn, chị Mai đã đi theo tiếng gọi của trái tim để sang Indonesia sống với người chồng hiện tại, anh Praba Madhavan - một doanh nhân người Malaysia gốc Ấn.
Hai ý tưởng lớn gặp nhau, anh Praba và chị Mai nhận thấy tiềm năng ẩm thực Việt ở Jakarta vẫn còn để ngỏ. Vì thế, vào tháng Sáu năm 2015, anh chị đã quyết định thành lập công ty Yêu Saigon Group và mở địa điểm ẩm thực đầu tiên: nhà hàng Saigon Café.
Vợ chồng anh Praba và chị Tuyết Mai.
Với sự am hiểu và niềm đam mê dành cho văn hóa quê hương, chị Tuyết Mai quyết định đầu tư cho một không gian nên thơ, lãng mạn, tinh tế của Sài Gòn xưa. Từ bàn ghế, bát đũa, đèn trang trí, gạch men lót sàn cho đến các bức tranh treo tường, âm nhạc, trang phục nhân viên... tất cả hòa quyện cùng nhau để dựng lên một không gian ấm cúng và sang trọng của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức các món ăn Việt do nhà Saigon Café cung cấp trong chuyến thăm Jakarta.
Chị cũng đã cất công về Sài Gòn, tìm đầu bếp giỏi đưa sang Jakarta. Do Indonesia là đất nước đạo Hồi và đa số người dân ở đây không sử dụng thịt heo, chị đã cùng đầu bếp đã phải rất linh động trong việc sáng tạo ra một thực đơn đa dạng và phong phú. Công tác đào tạo nhân viên bếp được chú trọng từ những bước ban đầu để rồi mỗi món ăn được chuẩn bị với sự cẩn trọng và tinh tế, nhằm bảo tồn hương vị thuần tuý của mỗi món ăn.
Saigon Café nhanh chóng chinh phục được những khách ẩm thực khó tính nhất, những lời khen của họ đã tiếp thêm động lực cho chị Tuyết Mai và anh Praba. Anh chị nhận thấy, việc kinh doanh ẩm thực không chỉ đem đến lợi nhuận mà còn giúp giới thiệu vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đến xứ sở vạn đảo. Vì thế anh chị quyết định tiếp tục mở thêm những nhà hàng khác tại những địa điểm khác nhau ở Jakarta, thường là ở các trung tâm mua sắm nơi đông người lui tới.
Một góc quán Saigon Delight.
Do đa số người Indonesia chưa từng trải nghiệm ẩm thực Việt Nam, và nếu đã từng, họ chỉ biết đến cà phê, phở, bánh mì..., chị Tuyết Mai quyết tâm xây dựng những thương hiệu khác nhau, giới thiệu với thực khách sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt.
Một trong những yếu tố đảm bảo cho hương vị truyền thống của ẩm thực Việt Nam là các loại rau thơm. Ở Indonesia, nguồn cung cấp rau thơm khan hiếm và thường không đảm bảo chất lượng. Vì thế chị Tuyết Mai đã quyết định trồng rau, trên chính sân thượng của các trung tâm mua sắm mà chị thuê mặt bằng. Đến thăm những vườn rau ấy, tôi vô cùng ấn tượng trước những tầng xanh mơn mởn đang thỏa sức vươn. Việc tự trồng rau vừa giúp bảo đảm nguồn cung, cũng như đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch.
Sự có mặt của 10 chuyên gia Việt Nam trong hệ thống nhà hàng đang giúp đảm bảo sự thuần túy Việt Nam trong tất cả những món ăn và trong phong cách phục vụ. Thêm vào đó, những chuyên gia này còn là những người đảm nhiệm công tác đào tạo nguồn nhân lực, truyền đạt đam mê và sự am hiểu của mình về ẩm thực Việt Nam cho nhân viên, để mỗi không gian của Yêu Saigon Group đậm đà bản sắc Việt.
Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, chị Tuyết Mai cho biết: “Yêu Saigon Group đang dự tính mở khoảng 50 nhà hàng ở khắp các tỉnh thành của Indonesia, trước tiên bao gồm các thành phố như Bali...”
Còn anh Praba chia sẻ, anh mong muốn công ty ẩm thực của mình và vợ vươn xa sang các quốc gia khác, không chỉ ở châu Á mà còn ở các châu lục khác.
“Dù đã kinh doanh rất nhiều năm nay, chưa khi nào tôi thấy hứng khởi như với dự án Yêu Saigon. Hứng khởi là bởi vì tôi nhìn thấy sự trân trọng văn hóa Việt Nam trong những thực khách đã từng ghé thăm những chuỗi nhà hàng, và còn bởi ẩm thực Việt đang dần làm biến đổi thói quen của người Indonesia: giúp họ yêu thích một chế độ ăn ít dầu mỡ, nhiều rau xanh, bao gồm các loại rau thơm tốt cho sức khỏe”, anh Praba nói.
Nhiều năm trước, khi xa quê hương, tôi luôn sợ hãi mỗi khi Tết đến, bởi đó là thời khắc nơi nỗi cô đơn và sự nhớ nhà ùa tới. Nhưng giờ đây, ở những xứ sở tôi qua, Tết tưng bừng sắc màu, nhờ bàn tay và trí tuệ của những người con của đất Việt như chị Lê Thị Tuyết Mai. Vì có những người như chị, dù ở chân trời góc biển nào, Tết luôn về. Tết luôn về trên những ngón tay thơm./.
Theo VOV