Đài BBC của Anh đưa tin bệnh nhân 66 tuổi này đã được cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng có khả năng kháng virus bẩm sinh để điều trị bệnh bạch cầu ung thư máu. May mắn thay, tải lượng virus trong cơ thể của ông đã giảm xuống mức không thể phát hiện được nên ông dừng uống thuốc trị HIV. 

Người này được biết đến với biệt danh Bệnh nhân City of Hope, đặt theo tên bệnh viện nơi điều trị cho ông ở Duarte, California, Mỹ. 

Người thứ tư trên thế giới khỏi HIV - 1

Mô phỏng virus HIV. (Ảnh: Getty Images)

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) làm hỏng hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (Aids). Nhiều người bạn của ông đã chết vì HIV trước khi thuốc kháng virus có thể duy trì tuổi thọ của bệnh nhân gần như bình thường.

Ông chia sẻ: “Khi tôi được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1988, giống như nhiều người khác, tôi nghĩ đó là một bản án tử hình.Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống để chứng kiến ngày mình không còn nhiễm HIV”.

Tuy nhiên, cách đây hơn 3 năm, ông được thực hiện liệu pháp cấy ghép tủy xương không phải để chữa HIV mà vì ông đã mắc bệnh ung thư máu.

Nhóm điều trị cho ông quyết định ông cần cấy ghép tủy xương để thay thế các tế bào máu bị ung thư. Thật tình cờ, người hiến tặng lại có thể kháng được virus HIV nhờ đột biến protein CCR5. 

Sau ca cấy ghép, tải lượng virus HIV trong cơ thể bệnh nhân “City of Hope” đã giảm xuống mức không thể phát hiện được. Tình trạng trên đã kéo dài hơn 17 tháng.

Bác sĩ về bệnh truyền nhiễm Jana Dickter tại Bệnh viện City of Hope cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được thông báo rằng căn bệnh HIV của ông ấy đã thuyên giảm và không cần phải điều trị bằng thuốc kháng virus nữa”.  

Trường hợp đầu tiên được chữa khỏi bệnh HIV trên thế giới là ông Timothy Ray Brown vào năm 2011. Ông được biết đến với biệt danh Bệnh nhân Berlin. Hiện đã có thêm ba trường hợp tương tự trong vòng ba năm qua.

Bệnh nhân City of Hope vừa là bệnh nhân lớn tuổi nhất được điều trị theo cách cấy ghép tủy xương, vừa là người sống chung với HIV lâu nhất.

Tuy nhiên, cấy ghép tủy xương không thể trở thành cuộc cách mạng trong việc điều trị HIV cho 38 triệu bệnh nhân trên toàn cầu hiện nay vì đó là một quy trình phức tạp, chứa đựng nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang xem xét nhắm mục tiêu vào đột biến protein CCR5 như một phương pháp điều trị tiềm năng.

Sự việc này vừa được báo cáo tại hội nghị Aids 2022 ở Montreal, Canada.

Theo vtc.vn