Người phụ nữ mặc kimono (giữa) không được cho vào xét nghiệm COVID-19 và bị yêu cầu về nhà thay quần áo khác - Ảnh chụp màn hình/Weibo
Hôm 23-8, truyền thông Trung Quốc đăng câu chuyện một người dân ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến không được cho vào xét nghiệm PCR vì mặc kimono (trang phục truyền thống của Nhật Bản). Vụ việc này đã gây ra cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội Weibo.
Trong video được trang Jiupai News chia sẻ trên Weibo, một người phụ nữ mặc kimono đi tới địa điểm xét nghiệm PCR ở Hạ Môn thì bị một số tình nguyện viên ngăn cản. Một tình nguyện viên bảo cô quay về thay quần áo rồi quay lại xét nghiệm.
Một tình nguyện viên nói: "Người Trung Quốc nên mặc y phục của Trung Quốc". Sau đó, người phụ nữ mặc kimono đã đồng ý quay về thay đồ. Tuy nhiên, không rõ cô có quay lại địa điểm xét nghiệm này hay không.
Được biết người phụ nữ này làm việc tại một nhà hàng Nhật Bản nằm dưới sự quản lý của khách sạn Nikko ở Hạ Môn. Ngày 23-8, quản lý khách sạn Nikko đã giải thích lý do cô mặc kimono khi đi xét nghiệm.
"Cô ấy làm việc tại nhà hàng của chúng tôi. Các nhân viên tại nhà hàng mặc kimono khi làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi có quy định không cho nhân viên mặc kimono đi ra ngoài. Nữ nhân viên này mặc kimono đi xét nghiệm vì địa điểm xét nghiệm nằm gần khách sạn", tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại lời người quản lý trên.
Vụ việc trên đã gây ra cuộc tranh luận nảy lửa trên Weibo. Tính đến 13h30 chiều 24-8, dòng hashtag "Người phụ nữ Hạ Môn mặc kimono đi xét nghiệm PCR" đã nhận hơn 370 triệu lượt xem trên Weibo.
Một số người dùng mạng đồng ý với hành động của các tình nguyện viên tại địa điểm xét nghiệm. Trang Jiupai News dẫn một bình luận: "Tiêm vắc xin Trung Quốc thì phải mặc trang phục Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo Thời báo Hoàn Cầu, hầu hết người dùng mạng cho rằng không nên lên án trang phục và người phụ nữ trên.
"Ở Nhật Bản, có một số cửa hàng phục vụ người Trung Quốc và nhân viên mặc Hán phục để thu hút khách Trung Quốc. Tại một số nhà hàng Nhật Bản ở Trung Quốc, một số nhân viên cũng mặc kimono. Bất luận như thế nào, đều không nên chỉ trích người phụ nữ này", bình luận của một người dùng mạng nhận hơn 115.000 lượt thích.
Một người dùng mạng khác cho rằng mọi người không nên từ chối mọi thứ từ các quốc gia khác. Một số người nhắc nhở những người khác nên hành động lý trí hơn và không bị "dắt mũi" bởi một số kẻ muốn gây rối.
Những năm gần đây, quan hệ Trung - Nhật ngày càng xấu đi do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vừa qua, nam diễn viên nổi tiếng Trương Triết Hạn của Trung Quốc đã bị mất toàn bộ sự nghiệp diễn xuất ở tuổi 30 vì bị dân mạng "đào lại" ảnh cũ cho thấy anh từng chụp hình tại đền Yasukuni ở Nhật Bản.
Theo tuoitre