“Hãy vui tươi - trong công việc và cuộc sống. Đó là việc học hỏi với động lực nội tại: Bạn cần làm gì và muốn làm gì? Đam mê, không ngừng học hỏi là điều giúp chúng ta vượt qua khó khăn và luôn lạc quan”.

Đó là câu nói được BBC trích dẫn trong phần giới thiệu về kiến trúc sư Chu Kim Đức (sinh năm 1980, Hà Nội) - người vừa lọt vào danh sách 100 phụ nữ của năm 2020 (BBC 100 Women 2020).

Chị là người đồng sáng lập và giám đốc của Think Playgrounds (TPG - Nghĩ về sân chơi trong phố) - doanh nghiệp xã hội có sứ mệnh đấu tranh cho “quyền được chơi” của trẻ em Việt Nam và tạo ra các sân chơi cộng đồng bằng vật liệu tái chế.


                                                                                            Kiến trúc sư Chu Kim Đức là người Việt duy nhất có mặt trong danh sách 100 phụ nữ của năm 2020 do BBC bình chọn.



“Nhiều người xứng đáng hơn tôi”


Khoảng 2 tháng trước, kiến trúc sư Chu Kim Đức được phóng viên BBC liên hệ phỏng vấn. Không lâu sau đó, chị được thông báo mình được đề cử cho danh sách BBC 100 Women 2020.

Ngày 24/11, nữ kiến trúc sư là người Việt duy nhất được tôn vinh trong danh sách cuối cùng. Với chị, đây vừa là vinh dự, vừa là niềm vui.

“Tôi từng hợp tác với rất nhiều đối tác nước ngoài như các tổ chức vận động cho ‘quyền được chơi’ của trẻ em hay những công ty thiết kế sân chơi ở Đức, Nhật và Australia”, chị chia sẻ với Zing.

Nhưng với kiến trúc sư Chu Kim Đức, sự công nhận của BBC mới đây có nhiều ý nghĩa hơn thế.


                                                                                                               Nữ giám đốc TPG hy vọng nhiều người quan tâm hơn tới “quyền được chơi” của trẻ em.


Theo chị, đó là sự ghi nhận cho nỗ lực của phụ nữ trong các vấn đề xã hội - nơi mà đàn ông vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, “quyền được chơi” của trẻ em cũng được chú ý hơn.

“Ở Việt Nam, ‘quyền được chơi’ không được coi trọng. Các bậc cha mẹ thường nghĩ cho con đi học phải được điểm cao, tiếp thu đủ thứ để sau này thành tài. Trong khi đáng ra, các em cần được chơi nhiều hơn. Vui chơi tự do ngoài trời giúp trẻ thư giãn, tập trung, phát triển giác quan và tinh thần tốt hơn”, nữ kiến trúc sư nhận định.

Thông qua việc lọt top 100 phụ nữ của năm 2020, kiến trúc sư Chu Kim Đức hy vọng nhiều người sẽ quan tâm hơn về vấn đề này.

Những ngày qua, nữ giám đốc TPG nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, đối tác. Chị cho rằng yếu tố giúp mình được bình chọn là có câu chuyện truyền cảm hứng.

“Tôi may mắn phù hợp với tiêu chí mà họ đề ra. Nhiều phụ nữ Việt cũng xứng đáng được tôn vinh với những đóng góp của họ cho cộng đồng”, kiến trúc sư Chu Kim Đức chia sẻ.

Trẻ em thành phố thiếu chỗ vui chơi


Chu Kim Đức tốt nghiệp khoa Quy hoạch của Đại học Kiến trúc Hà Nội vào năm 2003. Sau đó, chị sang Pháp học 2 khóa về Khảo cổ kiến trúc và Thiết kế sân vườn cảnh quan.

Năm 2007, chị về nước mở công ty riêng. Tới năm 2012, chị chuyển hướng từ kiến trúc sang học và làm phim nghệ thuật, phim thể nghiệm cho một trung tâm.

Thời gian đó, Chu Kim Đức gặp một phụ nữ người Mỹ. Bà rất thích các sân chơi, nhưng khi tới Hà Nội thì không tìm thấy nơi nào như vậy.

Bà cho rằng trẻ em trên thế giới đều có sân chơi - nơi chúng được tự do trải nghiệm, tăng cường thể chất mà không phải trả phí. Sau khi nhận được khoản thừa kế, người phụ nữ muốn làm tặng cho trẻ em Hà Nội một sân chơi.

“Bà ấy đi dạo quanh hồ Gươm thì thấy rất nhiều trẻ em leo trèo lên Tháp Bút lổng chổng đá, rất nguy hiểm. Sau đó, chúng tôi hỗ trợ thiết kế cho bà ấy một cầu trượt con rùa. Nếu chính quyền cho phép đặt ở đó, rất có thể nó sẽ trở thành biểu tượng cho ‘thành phố vì hòa bình’”, kiến trúc sư Chu Kim Đức nhớ lại.

Tuy nhiên, dự án không thành công, người phụ nữ trở về Mỹ.

Điều này khiến Chu Kim Đức trăn trở.


                                                                                                                Kiến trúc sư Chu Kim Đức bên cạnh người đồng sáng lập TPG Nguyễn Tiêu Quốc Đạt.


Xuất phát từ suy nghĩ của chị và anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - người đồng sáng lập TPG - năm 2014, TPG ra đời và hoạt động như một nhóm tình nguyện. Sân chơi đầu tiên họ tạo ra được đặt ở bãi giữa sông Hồng. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi vì cộng đồng ở đó đón nhận tích cực, báo chí, truyền thông bắt đầu chú ý.

Sau đó, TPG tổ chức sự kiện play day - ngày vui chơi cho trẻ em - nhờ sự giúp đỡ của bà Judith Hansen và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

“Chúng tôi bắt đầu có khách hàng là các trường mầm non tư nhân, trường tư, trường quốc tế thuê thiết kế sân chơi trong khuôn viên. Với số tiền nhận được, chúng tôi dùng để thực hiện các sân chơi cộng đồng. Năm 2016, TPG được đăng ký trở thành doanh nghiệp xã hội”, chị chia sẻ.

Đến nay, TPG có 15 nhân sự và đã thiết kế 180 sân chơi cộng đồng, với hơn 1/2 trong đó được đặt ở Hà Nội. Không chỉ tạo ra nơi vui chơi cho trẻ em thành thị, TPG cũng hỗ trợ các nhóm tình nguyện, đơn vị từ thiện thiết kế sân chơi gửi tới các trường thuộc vùng sâu vùng xa.

Tùy vào quy mô, mỗi sân chơi được hoàn thành trong khoảng 1-2 tháng. Trong đó, quá trình thi công chiếm một nửa, còn lại là trao đổi với chính quyền địa phương.


                                      TPG từng nhận được nhiều giải thưởng nhờ sự đóng góp cho cộng đồng. Nổi bật trong đó là sân chơi thiết kế được giải thưởng của UNESCO về nghệ thuật tái chế vào năm 2019.


Theo kiến trúc sư Chu Kim Đức, các vật liệu được TPG dùng để tạo ra sân chơi đều là đồ tái chế.

“Chúng tôi cố gắng sử dụng mọi vật liệu một cách thông minh hơn là chỉ mua gỗ về làm. Chúng tôi chủ yếu dùng gỗ bạch đàn - loại gỗ được trồng công nghiệp - ngâm và lốp xe để tạo ra cầu trượt, xích đu, bập bênh, thú nhún... cho trẻ em. Những vật liệu này vừa không hại môi trường, vừa không hại tới trẻ”, chị cho hay.

Mong tất cả khu dân cư có sân chơi


Hiện, TPG tham gia tổ chức IPA (International Play Association) có trụ sở ở Vương quốc Anh. Đây là hiệp hội có sứ mệnh vận động cho “quyền được chơi” của trẻ em trên toàn thế giới.

Không chỉ tạo ra các sân chơi có thiết kế quen thuộc, TPG còn tìm tòi, học hỏi các mô hình mới mẻ, độc đáo từ quốc tế. Một số mô hình có thể kể tới như sân chơi phiêu lưu, sân chơi low carbon, sân chơi tái chế, sân chơi trị liệu.

Trong đó, sân chơi low carbon là ý tưởng cải tạo một không gian công cộng sử dụng các nguyên liệu thân thiện, thải ít carbon nhất như lốp xe, gỗ bạch đàn, vỏ hộp sữa ép thành tấm chống thấm.

Sân chơi tái chế là ý tưởng mà đội ngũ TPG rất tâm đắc. Đó là nơi chứa nhiều thứ như rơm, ống rơm, bạt, que, dây buộc. Theo kiến trúc sư Chu Kim Đức, những vật liệu này nói vui là “rác” nhưng khi đủ đa dạng, trẻ em rất thích thú.

Mô hình sân chơi phiêu lưu đặc biệt ở chỗ TPG tìm các không gian có nhiều nguyên liệu tự nhiên để trẻ em tự khám phá, xây dựng.

Chị Đức lý giải: “Ví như ở bãi giữa sông Hồng, chúng tôi để ra đất xẻng, xô… để các bé tự ra đào, xách nước và bày ra đủ trò vui khác. Ngoài ra sân chơi còn có khu đốt lửa, làm mộc. Tôi rất thích mô hình sân chơi này vì trẻ em thành phố ít được tiếp xúc với mấy thứ đó”.


                                                                                       Sân chơi phiêu lưu, học theo mô hình của Nhật Bản, mới được TPG khai trương ở bãi giữa sông Hồng cách đây vài tuần.


Mô hình sân chơi trị liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được BBC đề cập gần đây, là không gian chơi chung, thoáng để các bác sĩ có thể ngồi trò chuyện và vui chơi cùng các bệnh nhi.

Cuối cùng là mô hình vườn cộng đồng, bao gồm khu để đổ đất sạch, người dân được tập huấn trồng các cây gia vị, hướng dẫn làm vườn theo phương pháp hữu cơ. Mô hình này không chỉ giúp cộng đồng có rau sạch để ăn, mà còn tạo cơ hội cho trẻ em học cách làm vườn.

Sau 4 năm TPG đi vào hoạt động, kiến trúc sư Chu Kim Đức cho rằng việc tạo ra sân chơi có thể giúp giữ lại không gian công cộng cho trẻ em.

Tham vọng lớn nhất của chị là kết hợp với mạng lưới tổ chức trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy “quyền được chơi” cho trẻ em thành phố.

“Tôi hy vọng tất cả khu dân cư nhận ra tầm quan trọng và có phương án để cho trẻ em vui chơi. Nếu cộng đồng chung tay, các phương án như play street (chơi trong phố), sân chơi di động, sân chơi tái chế, sân chơi phiêu lưu sẽ ngày càng được nhân rộng”, chị chia sẻ.

Theo Zing