Ảnh Trần Hương

Chị Trần Hương đang giữ vai trò giám sát viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC),giám sát của giải U.14 nữ châu Á 2015 khu vực Nam và Trung Á tận mắt chứng kiến thảm họa tại Nepal.

Từng có mặt tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) trong một chuyến công tác của AFC khi nơi này xảy ra trận động đất khiến gần 69.000 thiệt mạng năm 2008,chị Hương kể lại: “Thảm họa kinh hoàng bắt đầu khi tôi đang có mặt tại sân Dasrath chuẩn bị cho trận tranh huy chương đồng giữa Ấn Độ và Iran. Lúc đó là 11 giờ 50 (giờ địa phương).Mọi thứ diễn biến cực nhanh và khủng khiếp.Tôi đang kiểm tra những điều kiện cuối cùng cho trận đấu thì cảm nhận dưới chân mình có sự rung chuyển.Kinh nghiệm từ vụ động đất tại Tứ Xuyên giúp tôi đoán nhận được sự cố phải đối mặt.Tôi hô to: “Động đất!”,rồi lùa tất cả 2 đội bóng và chính mình thì ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra giữa sân.Khu vực ấy là nơi an toàn nhất, bởi mặt sân trống, có thể chủ động quan sát”.

“Là một phụ nữ, tôi cảm thấy bấn loạn, tay chân run rẩy khi trước mắt là hàng đống đổ nát, xác người nằm la liệt. Ngay lúc đó, tôi nghĩ là đang tận thế!”

“Tôi nghĩ là đang tận thế”

Từ giữa sân,chị Hương nhìn thấy cả khán đài sân vận động to vật vã lung lay,rung chuyển.Sau đó là cánh cổng sân đổ rầm, mấy tượng đài trước sân cũng lần lượt đổ sụp.Cột đèn sân to khoảng 2 người ôm lung lay dữ dội,nhưng may mắn không đổ.“Với yêu cầu an toàn, chúng tôi nhất quyết không di chuyển khỏi khu vực đã xác định an toàn nhất có thể để “trốn” động đất.Từng giây, từng phút rồi kéo dài đến tận 18 giờ,không một ai di chuyển khỏi khu vực trên.Trong quãng thời gian ấy, chúng tôi bị tra tấn thêm vài quả rung lắc nữa.Thật là quá khiếp sợ”,chị Hương kể tiếp.

Theo chị Hương, cuối cùng thì cũng có lệnh được di chuyển.Nhiệm vụ của chị là đưa các đội khách về nơi trú quân an toàn. Từ sân Dasrath về khách sạn trú quân của 2 đội phải di chuyển 40 phút. “Là một phụ nữ, tôi cảm thấy bấn loạn, tay chân run rẩy khi trước mắt là hàng đống đổ nát, xác người nằm la liệt. Ngay lúc đó, tôi nghĩ là đang tận thế!”.

Cũng có mặt tại Nepal trong chuyến du lịch cùng chồng và những người bạn,chị Lê Kim Chi, con gái cố nghệ sĩ Hồng Sơn, kể lại chị ở rất gần tâm chấn khi động đất xảy ra.Khi Kim Chi và mọi người đang từ thủ đô Kathmandu tới Pokhara vào buổi trưa thì mặt đất bắt đầu rung chuyển dữ dội,tất cả mọi thứ sụp đổ trước mắt.Từ Nepal hôm qua,nhà thiết kế áo cưới 32 tuổi cho biết chị và nhóm người đi cùng đã được sơ tán đến một nơi an toàn tại Pokhara.Lực lượng cứu hộ của rất nhiều quốc gia đang tập trung tại đây và gấp rút tìm kiếm những người đang nằm dưới đống đổ nát sau động đất.

“Nepal mất hết di sản thế giới rồi”

Không chỉ lấy đi hơn 2.500 mạng người (thống kê đến tối qua),trận động đất còn hủy diệt phần lớn di sản văn hóa của đất nước Nepal xinh đẹp.Nhiều đền đài xây dựng được từ thế kỷ 12 đến 18 ở nước này đã đổ sập, gồm cả tháp Dharahara ở thủ đô Kathmandu.Với những du khách có mặt tại đó, bên cạnh sự sợ hãi và hoảng loạn còn là cảm giác xót xa trước khung cảnh điêu tàn của cả một nền văn hóa.

Chị Trần Hương chia sẻ với Thanh Niên rằng khoảnh khắc di chuyển trên đường từ sân vận động về khách sạn khiến chị cảm nhận thêm sự khủng khiếp khi mẹ thiên nhiên nổi giận. Hai bên đường tan hoang.Chị bật khóc thương cho một Kathmandu hiền hòa, xinh đẹp... nay phải hứng chịu sự tàn khốc. “Nepal đã mất hết di sản thế giới rồi, chỉ còn lại Himalaya và Everest. Tôi đã rất may mắn có một ngày đi tham quan Kathmandu và đó là những gì còn lưu lại về đất nước này.Giờ đây,mọi thứ đều đổ nát.Tôi cảm thấy xót xa. Nepal là đất nước nghèo nhưng có những nét kiến trúc riêng biệt, không nước nào có được. Thế nhưng bây giờ đã thành phế tích mất rồi...”,chị Hương nói giọng nghẹn ngào.

Trong khi đó, chị Kim Chi cho hay:“Kẹt xe dài nhiều km đường từ Kathmandu tới Pokhara.Nhiều đoạn đường hứng chịu lở đá nguy hiểm. Lái xe qua trong tình cảnh này thấy các bạn Nepal vô cùng ý thức, các xe ô tô đều xếp hàng một nối đuôi nhau bình tĩnh đứng chờ, không chen lấn cướp đường”.

Nhiều người mất liên lạc

Chị Trần Hương và Kim Chi chỉ là hai trong một số những người Việt có mặt tại Nepal vào “thời khắc sinh tử”.Theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal Nguyễn Thu Hằng, số người Việt sống tại Nepal không nhiều,chỉ vài người hay liên lạc với Đại sứ quán.Trả lời Thanh Niên tối 26.4,bà Hằng cho hay sứ quán đã nhận thông tin có khoảng 10 người VN ở Nepal vẫn an toàn và một số người khác chưa liên lạc được. Tất cả những người này là khách du lịch.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn,ngay sau khi xảy ra động đất ở Nepal, tổng cục đã yêu cầu Vụ Lữ hành thống kê số lượng khách du lịch VN hiện đang có mặt ở Nepal và đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ trong trường hợp khách Việt bị ảnh hưởng do động đất, cũng như đề nghị các đối tác du lịch ở Nepal hỗ trợ khách VN.Tuy nhiên, đến hôm qua, tổng cục vẫn chưa nắm được chính xác con số du khách VN đang có mặt ở Nepal.Ông Nguyễn Quý Phương,Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết sau khi hay tin động đất, ông đã điện cho một số công ty du lịch thường tổ chức tour đến Nepal nhưng các công ty này đều khẳng định không đưa khách sang Nepal dịp này. Đến hôm qua, Vụ Lữ hành chưa nhận được bất cứ thông tin nào của doanh nghiệp báo có khách mắc kẹt do động đất ở Nepal.

Ông Nguyễn Đức Chi, Phó phòng Lữ hành (Sở Du lịch TP.HCM) cho biết quy định hiện nay không bắt buộc các doanh nghiệp báo với cơ quan chức năng khi đưa khách qua nước ngoài.Tuy nhiên, trong trường hợp có sự cố thì sau 2 - 3 ngày phải báo với cơ quan chức năng.Theo ông Chi,thường du khách sang Nepal du lịch theo kiểu tự do nên rất khó nắm thông tin. “Sang Nepal du lịch thường là dân du lịch chuyên nghiệp. Họ có những mối quan hệ quen biết từ trước rồi sang đó mới tổ chức các tour leo núi”, ông Chi nói.

Đường dây nóng hỗ trợ công dân VN tại Nepal

Ngày 26.4, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người VN tại Nepal sau vụ động đất ngày 25.4 và công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết ngay sau khi xảy ra vụ động đất tại Nepal, Bộ Ngoại giao đã có điện yêu cầu các cơ quan đại diện VN tại Ấn Độ, Bangladesh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh tìm hiểu có hay không công dân VN gặp nạn trong vụ động đất. Để có thể kịp thời hỗ trợ, các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân VN có thể là nạn nhân của vụ động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài (+84981848484 và +84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán VN tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán VN tại Bangladesh (+88029854052).

Trong khi đó, theo Tham tán công sứ Đại sứ quán VN tại Ấn Độ Trần Quang Tuyến, đã có 3 - 4 người trong nước gọi sang sứ quán để nhờ hỏi giúp về tình trạng người thân của họ đang đi du lịch ở Nepal. Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng Nepal và họ hứa sẽ thông báo tình hình khi có thông tin về người Việt. Còn Bí thư thứ nhất Nguyễn Thu Hằng cho hay sứ quán hiện chưa thể cử cán bộ đến Nepal để tìm hiểu tình hình vì thiếu người, nhưng vẫn đang nỗ lực tận dụng các kênh khác nhau để tìm hiểu xem những người nào cần hỗ trợ và hướng dẫn những người đã liên lạc được về nước an toàn.

                                                                                                               Theo Thanhnienonline