Đại lễ Phật đản Vesak là ngày gì?

Phật Đản nghĩa là ngày sinh của Đức Phật. Đại lễ Phật đản hay Đại lễ Vesak là ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15/4 âm lịch hàng năm.

Đại lễ Phật đản còn có tên gọi là đại lễ Vesak. Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka, tiếng Pali là Vesaka, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, là tháng theo lịch Ấn Độ. Đó cũng là tháng đầu tiên trong năm của lịch nước Nepal.

Đây là ngày lễ trọng đại của các tăng ni, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới và được tổ chức rất long trọng.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn) và được kỷ niệm vào các ngày khác nhau tùy từng quốc gia.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam - các quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch.


Đại lễ Vesak đầu tiên đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào...

Ý nghĩa của Đại lễ Phật đản

Với đông đảo Phật tử trên thế giới, đại lễ Vesak giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh. Nhiều quốc gia châu Á công nhận ngày lễ Phật đản là ngày nghỉ lễ chính thức như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia. Tại Việt Nam, ngày này không phải ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.

Vào ngày Phật đản, các Phật tử dâng cúng hương hoa, đến chùa nghe thuyết giảng, thành tâm khấn vái Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng, ngoài ra còn thực hành ăn chay, từ bi hỉ xả, bố thí, làm việc thiện, tặng quà cho những người yếu thế. Nói chung mọi hành động đều hướng đến những điều thiện lương, để cuối cùng đem lại hạnh phúc và bình an trong tâm của mỗi người.

Ở một số quốc gia như Sri Lanka, vào ngày Phật đản, việc bán rượu và thịt thường bị cấm và tất cả các cửa hàng rượu, bia và lò giết mổ phải đóng cửa. Chim, côn trùng và thú vật được phóng sinh như là một "hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát".Tại Ấn Độ, Nepal, người dân thường mặc áo trắng khi lên các tịnh xá và ăn chay. Tại hầu hết các quốc gia châu Á đều có diễu hành xe hoa và nghi lễ tụng niệm, tại Hàn Quốc có lễ hội đèn hoa sen rất long trọng.

Trong khi đó tại Myanmar, hoạt động đáng chú ý nhất trong ngày lễ Phật đản là người dân với lòng thành kính, đặt những chậu nước tinh khiết trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây bồ đề. Nghi thức này mang ý nghĩa cảm ơn giống cây đã che chở đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo và ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ.


Còn ở Việt Nam, vào ngày này, hàng nghìn Phật tử đổ về các ngôi chùa lớn để cầu bình an và may mắn. Đây cũng là thời gian mà mỗi người con Phật có cơ hội ôn lại lịch sử của Đức Bản sư để chiêm nghiệm, để sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Ngài đã đi. Đó là con đường Bát Chính Đạo, con đường Giới – Định – Tuệ. Trọng tâm của ngày lễ là nghi thức "tắm Phật", cũng là dịp để Phật tử nhìn lại tâm thức và tưởng nhớ đến những lời Phật dạy. Ngoài ra còn có nghi thức thả bóng bay và chim bồ câu cầu nguyện hòa bình.

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak

Ngày 28/10/1999, đại biểu các nước của 34 nước trên thế giới đã đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết công nhận Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đức Phật đản sinh thành đạo và nhập niết bàn.

Đến ngày 12/11/1999, Đại hội đồng Liên Hơp Quốc thông qua Nghị quyết công nhận ngày trăng tròn tháng 5 là Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật.

Trong Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc viết: "Lời dạy của đức Phật, và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người... Thừa nhận ngày trăng tròn tháng 5 hàng năm là ngày thiêng liêng nhất của người Phật tử, kỷ niệm ngày sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật".

Từ năm 2000 đến nay, những hoạt động kỷ niệm ngày đại lễ Vesak đều được tổ chức long trọng tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia có vinh dự đăng cai Đại lễ LHQ Vesak vào các năm 2008, 2014 và năm 2019.

Theo thoidai