Rabia, người phụ nữ vừa mới sinh con vài ngày tại một bệnh viện nhỏ ở tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan cho biết: "Đây là lần thứ ba tôi sinh con, trải nghiệm sinh con lần này hoàn toàn khác. Nó thật kinh khủng".

Chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi, bệnh viện nơi Rabia sinh con đã không còn như trước. Cô không được cung cấp thuốc giảm đau, uống thuốc và thức ăn. Bên trong bệnh viện rất ngột ngạt, nhiệt độ lên tới 43 độ C; nguồn điện bị cắt và không có nhiên liệu để máy phát điện hoạt động. Người hộ sinh phải giúp Rabia "vượt cạn" trong bóng tối với ánh sáng từ đèn điện thoại di động, cả hai đều đổ mồ hôi như tắm.

"Đó là một trong những điều tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua trong công việc của mình. Điều đó quá khủng khiếp. Kể từ khi Taliban tiếp quản, chúng tôi phải đối mặt với điều này mọi lúc trong bệnh viện", Abida, người hộ sinh cho Rabia nói.

Tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh cao

Thật đáng mừng khi Rabia là một trong những phụ nữ may mắn sống sót sau khi sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất trên thế giới, với 638 phụ nữ tử vong trên 100.000 ca sinh. 

Trước đó, ở Afganistan, tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh từng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, những tiến bộ về chăm sóc thai phụ và trẻ sơ sinh từ năm 2001 đã nhanh chóng giúp giải quyết vấn đề này.

Cái khó của phụ nữ Afghanistan khi sinh con dưới thời Taliban - Ảnh 1.

Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất trên thế giới

Giám đốc điều hành Natalia Kanem của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết: "Cảm giác hiện tại là khẩn cấp và tuyệt vọng. Tôi thực sự cảm thấy sức nặng của vấn đề".

UNFPA ước tính rằng, nếu không có hỗ trợ ngay lập tức cho phụ nữ và trẻ em gái, có thể có thêm 51.000 trường hợp thai phụ tử vong, 4,8 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, số phụ nữ không thể tiếp cận các phòng khám kế hoạch hóa gia đình từ nay đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi.

Ông Wahid Majrooh, Giám đốc Y tế công cộng cho biết các cơ sở y tế chính yếu trên khắp Afghanistan đang sụp đổ, tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em sẽ tăng lên. Ông cam kết chiến đấu vì sức khỏe của người Afghanistan, tuy nhiên nói thêm rằng đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn.

Thiếu nguồn cung ứng và ngân sách cho y tế

Một quốc gia được bao quanh bởi đất liền như Afghanistan đã trở nên tách biệt với thế giới. Khi quân đội nước ngoài bắt đầu rút quân, việc Taliban lên nắm quyền dẫn đến nguồn viện trợ nước ngoài cho rất nhiều cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan bị đóng băng. Các nguồn viện trợ phương Tây, bao gồm Mỹ và các nhóm như WHO gặp khó khăn trong việc cung cấp ngân quỹ cho Taliban cũng như vật tư y tế ở một sân bay Kabul hỗn loạn.

Do đó, việc tiếp cận các thiết bị cứu sinh và thuốc men liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ đang bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này lại càng không may hơn khi Covid-19 cùng lúc bùng phát. Ông Majrooh cho biết không có sự chuẩn bị nào trước khả năng xuất hiện đợt Covid-19 thứ tư.

Tại đơn vị hộ sinh của Abida, nguồn ngân sách bị đóng băng đồng nghĩa với việc xe cấp cứu không thể hoạt động vì không có tiền mua nhiên liệu. Abida cho biết trước đó vài hôm, một người mẹ gần chuyển dạ đã yêu cầu xe cấp cứu khẩn cấp vì quá đau đớn, đơn vị phải bảo người phụ nữ tìm taxi nhưng không có. 

Cuối cùng khi tìm được xe thì đã quá muộn, người phụ nữ sinh con trong xe và bất tỉnh trong vài giờ vì phải chịu nhiệt độ quá nóng và đau dữ dội. Mọi người đều không nghĩ rằng người phụ nữ sẽ sống sót, em bé cũng đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Trong khi đó, đơn vị của Abida không có gì có thể cung cấp cho hai mẹ con. May mắn thay, đứa trẻ đã sống sót. Ba ngày sau, người phụ nữ cũng hồi phục và được xuất viện.

Khó khăn của phụ nữ Afghanistan khi sinh con dưới thời Taliban - Ảnh 2.

Việc tiếp cận các thiết bị cứu sinh và thuốc men liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ Afghanistan đang bị ảnh hưởng đáng kể.

UNFPA cũng lo ngại nguy cơ tảo hôn ngày càng tăng có thể sẽ đẩy tỷ lệ tử vong sau sinh tăng lên. Theo đó, tình trạng nghèo đói gia tăng, lo lắng việc trẻ em gái không thể đi học cùng với nỗi sợ hãi về hôn nhân ép buộc giữa các tay súng Taliban và trẻ em gái hoặc phụ nữ trẻ vị thành niên đang làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nếu là một người mẹ trẻ, cơ hội sống sót của họ sẽ giảm đi ngay lập tức, Kanem, thành viên của UNFPA nói.

Những hạn chế mới của Taliban đối với phụ nữ đang tiếp tục làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mỏng manh. Ở nhiều khu vực của Afghanistan, phụ nữ phải che mặt bằng khăn niqab hoặc burka.

Khó khăn trong đi lại và khám bệnh ở các cơ sở y tế

Tuy nhiên, mối quan tâm đáng lo ngại hơn là các báo cáo về vấn đề bệnh viện và phòng khám đang được lệnh chỉ cho phép nhân viên nữ tiếp cận bệnh nhân nữ.

Một nữ hộ sinh giấu tên cho biết một nam bác sĩ đã bị Taliban đánh đập vì một mình đến khám bệnh cho một người phụ nữ. Người hộ sinh nói rằng, ở nơi cô làm việc - một trung tâm y tế ở miền đông đất nước "nếu bác sĩ nữ không thể khám cho phụ nữ thì bác sĩ nam chỉ có thể khám cho phụ nữ khi có hai hoặc nhiều người khác trong phòng bệnh". Ngoài ra, phụ nữ cũng được yêu cầu không được rời khỏi nhà mà không có chồng, người giám hộ hoặc người thân là nam giới đi cùng.

"Chồng tôi là một người đàn ông nghèo, phải làm việc để nuôi con cái. Tại sao tôi phải yêu cầu anh ấy đến trung tâm y tế với tôi?"- Zarmina, một phụ nữ đang mang thai năm tháng ở tỉnh Nangarhar cho biết.

Abida cho biết yêu cầu có người thân là nam giới đi cùng đồng nghĩa với việc ngay cả khi có nữ y tá hay hộ sinh, nhiều phụ nữ mang thai như Zarmina cũng không thể tham gia các cuộc kiểm tra quan trọng. Tương tự như vậy, nhiều nữ nhân viên y tế không thể đi làm trong khi phòng khám đang thiếu nhân lực.

Cái khó của phụ nữ Afghanistan khi sinh con dưới thời Taliban - Ảnh 3.

Nguy cơ tảo hôn ngày càng tăng có thể sẽ đẩy tỷ lệ tử vong sau sinh ở Afghanistan tăng lên nữa.

Thiếu nhân lực y tế và thuốc men

WHO ước tính rằng có 4,6 bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh trên 10.000 người Afghanistan, con số thấp hơn gần 5 lần so với mức được coi là "ngưỡng thiếu hụt nghiêm trọng". Con số này hiện có khả năng thấp hơn, do nhiều nhân viên y tế đã không còn làm việc hoặc bỏ trốn khỏi đất nước kể từ khi Taliban tiếp quản.

Heather Barr, phó giám đốc bộ phận quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: "Người Afghanistan nghe rất nhiều về thương vong trong chiến tranh. Nhưng ít người nói về số lượng phụ nữ và trẻ sơ sinh chết vì sinh nở bởi những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được".

Với tình trạng khan hiếm như hiện nay, người dân chỉ có thể mua thuốc và vật tư y tế từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân, đây là một lựa chọn không khả thi đối với nhiều người Afghanistan.

Zarmina, một người đang mang thai cho biết cô thấy nhiều phụ nữ đợi cả ngày ở phòng khám để mua thuốc, nhưng vẫn trở về nhà tay không. Cô muốn sinh cọn tại nhà hơn vì ở bệnh viện không có thuốc men và phương tiện. Cô rất lo cho sức khỏe của bản thân và con.

Đói nghèo, mất việc

Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 54,5% dân số Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, hầu hết đều ở các vùng sâu, vùng xa.

Lina, 28 tuổi, sống cùng chồng tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Herat. Trước khi Taliban lên nắm quyền, cô được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng và thiếu máu khi đang mang thai. Khi Taliban nắm quyền kiểm soát khu vực, chồng cô, một người chăn cừu đã mất việc. Với số tiền ít ỏi và sợ hãi Taliban, Lina đã không quay lại phòng khám cho đến khi bị vỡ nước ối.

Nhiều người Afghanistan lo sợ rằng cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe của đất nước đang ngày càng sâu sắc đến mức không thể quay trở lại, và những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

"Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi", Abida, một nhân viên hộ sinh nói trong vô vọng.

Kim Ngọc (theo BBC)