leftcenterrightdel
 Người dân Gaza mệt mỏi vì xung đột kéo dài - Ảnh: WFP

Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, cho biết: "Với sự gia tăng các hành động thù địch gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại rằng kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra".

Từ tháng 9-10/2024, khoảng 1,84 triệu người trên khắp Dải Gaza đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao, trong khi gần 133.000 người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc.

Ông Dujarric cho biết tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở Gaza hiện cao gấp 10 lần, so với trước khi chiến sự leo thang.

Hiện gần như toàn bộ dân số ở Gaza đã phải di dời nhiều lần, đối mặt với nguy cơ bị thương hoặc tử vong do pháo kích và bom đạn, trong khi nhiều nhóm người dễ bị tổn thương không thể di dời hoặc tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi mở lại các cửa khẩu, xóa bỏ các trở ngại về mặt hành chính, để có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.

Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA) cảnh báo, các hoạt động quân sự đang diễn ra ở miền bắc Gaza, đang khiến hàng chục ngàn thường dân rơi vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng.

Tình trạng thù địch dữ dội, liên tục sơ tán, cũng khiến một số hệ thống sản xuất nước và thu gom nước thải không hoạt động.

Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo đợt tiêm vắc xin bại liệt thứ 2 ở miền trung Gaza đã kết thúc vào ngày 16/10, với hơn 181.000 trẻ em được tiêm và hơn 148.000 trẻ được bổ sung vitamin A. Đồng thời, tổ chức nói thêm rằng đợt tiêm vắc xin bại liệt thứ 2 ở miền nam Gaza cũng sẽ bắt đầu vào hôm nay, 18/10.

Theo phụ nữ TPHCM