Saigon Bay là một trong khoảng 40 cơ sở kinh doanh ở khu thương mại Fowler Plaza South, thành phố Tampa, bang Florida, bị đốt phá và cướp bóc vào tối 30/5, sau khi cuộc biểu tình ôn hòa ban ngày liên quan đến cái chết của George Floyd biến thành bạo loạn, theo Tampa Bay Times.
Ông Sơn Thanh, 50 tuổi, cùng gia đình mua lại nhà hàng Saigon Bay cách đây 4 năm sau khi điều hành một nhà hàng ở thành phố Kansas, bang Missouri suốt 15 năm. Saigon Bay đã tồn tại hàng chục năm nay, là nơi người dân và sinh viên ở đại học Nam Florida gần đó thường xuyên tới thưởng thức món phở.
Tối đó, ông cùng mọi người đang ở nhà hàng thì biểu tình nổ ra.
"Tôi nhìn thấy đám đông kéo tới. Thật đáng sợ", Savy Lam, 44 tuổi, vợ ông, kể.
Cảnh sát được điều tới và giải tán những kẻ cướp bóc sau khi họ đột nhập một cửa hiệu. Thấy tình hình có vẻ ổn thỏa nên 21h30 ông trở về nhà.
Tuy nhiên, sau đó, chủ một cửa hàng trang sức gần đó gọi cho ông Thanh, báo tin ông nhìn thấy nhà hàng đang bốc cháy qua camera an ninh. 1h sáng 31/5, ông quay lại nhưng không thể tiếp cận nên đành đi về nhà.
Trở lại Saigon Bay lúc 7h, trước mắt ông là đống ngổn ngang. Cả nhà hàng và cửa hiệu Champs Sports bên cạnh đều là đống đổ nát. Mái và khung nhà bị thiêu rụi, bảng hiệu bị gãy, cửa kính bị đập vỡ.
Đến gần trưa, cảnh sát và lính cứu hỏa vẫn làm việc tại hiện trường. Hơn 40 người đã bị bắt giữ với loạt tội danh từ cướp của đến gây bạo loạn và mang theo vũ khí.
Suốt những năm qua, ông Thanh chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế.
"Chúng tôi không biết khi nào mới gây dựng lại được. Chúng tôi hoàn toàn không biết", ông nói.
Tampa chỉ là một trong những thành phố của Mỹ chứng kiến những cuộc biểu tình kéo dài một tuần qua sau khi George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát ghì gáy dẫn tới tử vong. Các cuộc biểu tình khởi phát ôn hòa từ thành phố Minneapolis, bang Minnesota, sau đó biến thành bạo lực, cướp bóc, đốt phá, khiến các tòa nhà, cơ sở kinh doanh bị hư hại.
Một video được chia sẻ trên mạng cho thấy tiệm nail của người Việt tại Minneapolis bị đập vỡ kính, bàn ghế, các dụng cụ, cướp tiền.
"Nhiều cửa hàng ở trung tâm thành phố Houston cũng bị đập phá, trong đó có nhà hàng Blind Goat của đầu bếp nổi tiếng Christine Hà, quán ăn yêu thích của tôi", anh Nhật Minh, ở Houston, bang Texas, nói với VnExpress. "Hôm qua, khi đi qua trung tâm thành phố, tôi nhìn thấy biển cảnh báo người dân tránh khu vực đó".
Anh Minh cho hay lượng người xuống đường tại Houston khá lớn bởi Floyd vốn là người ở đây. Theo bạn bè của Floyd, anh lớn lên ở khu vực chủ yếu là người da màu tại Houston, trước khi đến Minneapolis tìm việc.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã tuyên bố tình trạng thảm họa do tình trạng bạo lực tại các thành phố khắp bang, đồng thời triển khai hàng nghìn binh sĩ và hơn 1.000 thành viên Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ cảnh sát đảm bảo an ninh.
Chị Phương Trần, ở Las Vegas, bang Nevada, cho hay các cuộc biểu tình diễn ra tại khu vực trung tâm mấy ngày qua, nơi có rất nhiều shop thời trang và nhà hàng. Biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa khi cảnh sát cam kết ủng hộ những người tham gia nếu họ không gây rối và đập phá tài sản.
Tuy nhiên, bạo loạn sau đó bùng phát với hơn 100 người bị bắt, nhiều tòa nhà bị hư hại. Một chiếc SUV bị đốt cháy, các cửa hàng bị phun sơn với thông điệp kêu gọi công lý. Tối qua, cảnh sát Las Vegas đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.
"Dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, lại thêm biểu tình, tôi càng hạn chế ra ngoài, nếu có thì tránh những khu vực trên", chị nói. "Nhiều thành phần lợi dụng hỗn loạn để phá hoại và cướp bóc. Để tránh rủi ro, chính quyền đã khuyến cáo các cơ sở kinh doanh ở trung tâm thành phố đóng cửa từ 16h".
Floyd bị cáo buộc sử dụng tờ 20 USD giả để thanh toán tại một tiệm tạp hóa. Theo các công tố viên, sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin đã dùng gối ghì chặt gáy của Floyd trong gần 9 phút, mặc anh này van xin vì "không thở được".
Chauvin đã bị sa thải, bắt giữ và truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát. Ba cảnh sát còn lại ở hiện trường cũng bị sa thải. Tuy nhiên, người biểu tình không hài lòng và cho rằng tất cả họ cần phải chịu trách nhiệm và bị truy tố nặng hơn.
Theo thống kê của AP, ít nhất 4.400 người đã bị bắt trong những ngày qua, từ trộm cướp, chặn đường cao tốc đến phá lệnh giới nghiêm.
Vừa mở cửa lại được hai tuần sau cả tháng đóng cửa do lệnh phong tỏa để kiềm chế Covid-19 lây lan, anh Hoài Nam, chủ một nhà hàng Việt ở thành phố New York, lại lo lắng vì biểu tình nổ ra. Các cơ sở kinh doanh khác ở một số khu vực bị phá hoại, nhưng nhà hàng của anh may mắn chưa ảnh hưởng gì.
"Covid-19 đã khiến nhiều chủ kinh doanh điêu đứng rồi, giờ thêm bạo loạn nữa không biết họ phải sống sao", anh chia sẻ. "Hàng ngày tôi vẫn mở cửa, đến tối về lại bất an, sợ nhỡ nhà hàng của mình bị đập phá thì sao?".
Các cuộc biểu tình ở New York đã kéo dài 4 ngày liên tiếp với hàng nghìn người xuống đường tuần hành. Anh Nam cũng hòa vào dòng người biểu tình ôn hòa đó vào sáng qua. Tuy nhiên, giống như những ngày trước, đến đêm, bạo loạn lại xảy ra. Người biểu tình đốt lửa, đụng độ với cảnh sát. Những tiếng súng vang lên, nhiều người bị bắt và nhiều sĩ quan bị thương.
Anh Nam cho hay mình phần nào hiểu được phản ứng của người biểu tình bởi họ từng chịu nhiều bất công trong xã hội, bị khinh thường và đối xử như những một tầng lớp thấp kém. Cái chết của Floyd cộng với tình hình dịch bệnh và thất nghiệp thời gian qua đã thổi bùng ngọn lửa tức giận trong họ.
"Đâu cũng có người tốt, người xấu. Không phải tất cả người da màu đều xấu và không phải tất cả người da trắng đều tốt. Không có gì là hoàn hảo", anh nói.
Biểu tình ở Mỹ hiện đã lan sang cả Anh và New Zealand. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cái chết của Floyd là một "thảm kịch", nhưng lên án các hành vi biểu tình bạo lực là hành động của "những kẻ cướp bóc, vô chính phủ".
Anh Nam dự đoán tình hình căng thẳng sẽ chấm dứt sau 2-3 ngày nữa, khi 4 cảnh sát liên quan tới cái chết của Floyd nhận những bản án thích đáng.
"Một bộ phận cảnh sát Mỹ cậy quyền và không coi trọng mạng sống của người khác. Tôi nghĩ nếu người da màu được đối xử khác, sẽ không có những chuyện như thế này xảy ra", anh nói thêm.
Theo vnexpress