TS Đinh Ngọc Duy, người Quảng Ngãi đang làm việc tại trường Đại học Cambridge, Anh là một trong những nhà nghiên cứu chính tham gia trực tiếp quá trình phát triển thuốc điều trị Covid-19.
Là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về công nghệ chip vi chất lỏng ứng dụng trong sinh học và y học, từ tháng 3 khi Covid-19 bùng phát, TS Duy bắt đầu tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật phát triển thuốc điều trị Covid-19.
Anh cho biết, công nghệ chip vi chất lỏng, giúp rút ngắn quá trình tìm ra thuốc mới cho thử nghiệm lâm sàng từ 5-10 năm xuống chỉ còn khoảng 3-4 tháng. Nhóm phát triển thuốc với tên gọi EDP1815, được bào chế ở dạng uống, hoạt động trên tế bào ruột non nhằm kiểm soát tình trạng bệnh trong cơ thể. EDP1815 không lưu lại quá lâu trong cơ thể cũng như không hấp thụ mạnh, giúp giảm phản ứng và tác dụng phụ lên người bệnh.
TS Duy cho biết, thuốc này được phát triển từ kháng thể của bệnh nhân hồi phục sau Covid-19. Sau khi lấy máu người bệnh phục hồi và phân tích, nhóm nghiên cứu áp dụng công nghệ chip vi chất lỏng để tìm tế bào miễn dịch sinh ra kháng thể, có khả năng chống lại nCoV.
"Để ngăn chặn quá trình xâm nhập và nhân lên của nCoV, các kháng thể trung hòa sinh ra từ tế bào miễn dịch sẽ kết hợp với tế bào S protein của nCoV để virus không thể xâm nhập vào tế bào, tiêu diệt virus. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng dùng huyết tương có kháng thể trung hòa còn nhiều hạn chế nên việc thiết kế ra kháng thể mới đặc hiệu hơn kháng thể trung hòa có thể là thuốc đặc trị Covid-19", TS Duy nói.
Để thiết kế kháng thể mới, nhóm đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) có chức năng hỗ trợ xác định nguồn gốc các dòng kháng thể, phân tích đặc điểm và khả năng kháng virus của kháng thể. Sau khi chọn lọc những kháng thể có tiềm năng, AI thiết kế các kháng thể mới có chức năng tương tự. Độ đặc hiệu chuẩn kháng thể mới được kiểm tra nhanh qua chip vi chất lỏng.
TS Duy cho biết, việc phát triển thuốc từ nghiên cứu, qua thử nghiệm lâm sàng rồi đưa vào sản xuất là quá trình dài và chỉ 5% số thuốc thành công, vì vậy nhóm nghiên cứu đang từng bước thử nghiệm và đánh giá. "Chúng tôi đang hoàn thiện kỹ thuật và kết quả nghiên cứu cũng được thử nghiệm trên một nhóm người bệnh để kiểm tra tính an toàn khi sử dụng của thuốc", TS Duy nói.
Những chip vi chất lỏng có chứng năng tìm tế bào miễn dịch. Ảnh: NVCC.
Sau khi thử nghiệm độ an toàn của thuốc, anh mong muốn có thể đưa loại thuốc chữa Covid-19 về Việt Nam, phối hợp với các nhà khoa học trong nước. Đồng thời đưa công nghệ chip vi chất lỏng về Việt Nam để ứng dụng trong điều trị ung thư và các bệnh khác.
Công nghệ chip vi chất lỏng được ra đời từ những năm 90 nhưng mới đây được ứng dụng nhiều trong y sinh và bào chế thuốc điều trị ung thư, bệnh Alzheimer. Công nghệ này giúp rút ngắn thời gian bào chế các loại thuốc mới, nhưng vẫn đem lại độ an toàn và độ đặc hiệu cao. Trước đó, TS Duy ứng dụng công nghệ này để tìm ra cơ chế lây lan của những protein bị lỗi cuộn gập (Tau, α-Synuclein, Aβ) qua tế bào thần kinh, từ đó nghiên cứu giải pháp điều trị bệnh Alzheimer.
TS Đinh Ngọc Duy tốt nghiệp tiến sỹ kỹ thuật y sinh tại Đại học Quốc gia Singapore năm 2019. Hiện nay anh tiếp tục nghiên cứu sau tiến sỹ tại Trung tâm Bệnh misfolding diseases thuộc Đại Học Cambridge, Anh đối với các bệnh suy giảm trí nhớ, rối loạn thần kinh vận động và bệnh tiều đường Tuyp 2.
Theo vnexpress