Ngày 23/7, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cùng đoàn đại biểu phụ nữ Nga sang dự Diễn đàn Phụ nữ Việt - Nga đã đến thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Công trình thế kỷ này là biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô trước đây và Việt-Nga ngày nay.
Đoàn đến viếng Tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá granit cao 18m, nặng hơn 400 tấn được đặt tại đỉnh núi Tượng trong quần thể Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Cả đoàn leo 79 bậc thang, đặt hoa và thắp hương dâng Bác. Hình ảnh Bác sừng sững, hiên ngang trên đỉnh núi hướng về công trình thế kỷ bên cạnh dòng sông Đà hùng vĩ.
Đoàn còn thăm nơi đặt “bức thư thế kỷ”. Năm 2100, bức thư trong khối bê tông nặng hơn 10 tấn kia sẽ được mở ra. Nội dung không phải là điều bí mật nhưng ý tưởng này đã làm cho bức thư trở nên thiêng liêng.
Tại sân của Nhà truyền thống Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình thang có cạnh đáy 2m, chiều cao 1,8m, cạnh trên 0,8m nặng gần 10 tấn với tấm biển khắc dòng chữ “Lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau”.
Đoàn thành kính dâng hương Đài tượng niệm 168 cán bộ, công nhân lao động và chuyên gia nước bạn đã hy sinh trong những ngày tháng gian khó, những rất đỗi vinh quang trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Đây là biểu tượng đẹp của sự hy sinh, công hiến và tình hữu nghị Việt - Xô nay là Việt - Nga.
Đài tưởng niệm được xây dựng cách đập thủy điện Hòa Bình khoảng vài trăm mét về phía hạ lưu với 6 cánh vươn xa, trong nền trời xanh ngắt. Trên 168 linh vị, tên tuổi con người được xếp theo hình vòng tròn, ngay chính giữa là dòng chữ vàng trên bàn thờ Đài tưởng niệm "Tổ quốc ghi công các bạn”. Ở đó ghi tên người, quê quán, ngày sinh, ngày mất của những người đã cống khiến và hy sinh cho công trình thế kỷ. Hầu hết họ còn rất trẻ. Trong suốt mấy chục năm qua, thủy điện Hòa Bình vẫn ngày đêm bền bỉ phát đi dòng năng lượng phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước. 15 năm xây dựng Thủy điện Hòa Bình (1979 - 1994), không trang sách nào có thể kể hết, tả hết công sức của các thế hệ chuyên gia, công nhân Việt - Xô tại công trình thủy điện này.
Một con số thực sự gây ấn tượng: có 4 vạn công nhân Việt Nam và 2,5 nghìn lượt chuyên gia Liên Xô đã đồng cam, cộng khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để công trình hoàn thành, đi vào vận hành. Người dân Việt Nam biết ơn trước sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả, thiết thực của những người bạn Liên Xô một thời.
Theo phunuvietnam.vn