Đó là một trong những vấn đề được đề cập tại chương trình Đối thoại cùng CEO với chủ đề "Vững nền tảng, chắc tương lai" về lĩnh vực kiến trúc, xây dựng do trường đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) tổ chức.
Theo dự báo từ Trung tâm nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, ngành Kiến trúc - Nội thất & Xây dựng được dự đoán là một trong 8 nhóm ngành hấp dẫn và thu hút được nhiều lao động nhất tại TPHCM trong suốt giai đoạn từ 2020-2025.
Các chuyên gia cũng dự báo nguồn nhân lực trong ngành Kiến trúc - Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay, số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12 - 13 triệu người.
Là một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP HCM (SACA) cũng lưu ý nhiều khó khăn của ngành này trong tương lai. Ngành phải đối mặt với nhiều biến động bất lợi, bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, công việc ít và sự cạnh tranh rất cao, giá vật liệu xây dựng tăng, thua lỗ...
Ông Lê Viết Hải chia sẻ, không có chìa khóa nào để đi đến thành công dễ dàng. Đó chỉ có thể là sự nỗ lực, nền tảng kiến thức, sự đánh đổi, thái độ, giá trị sống, lựa chọn hướng đi đúng của mỗi người.
"Khác với yêu cầu học thuộc để thi ở trường học, khi đi làm, điều chúng ta cần nhất không phải là ghi nhớ mà quan trọng là hiểu sâu vấn đề. Đặc biệt hãy học để hiểu quy luật của tự nhiên, xã hội. Làm việc gì cũng theo quy luật, phù hợp với quy luật mới có thể thành công", ông Hải nói.
Ngoài kiến thức, ông Lê Viết Hải cho rằng, mỗi người cần xác định được mục tiêu của bản thân, kiên định với mục tiêu đó. Thành công cũng không thể hình thành trên sự ích kỷ, lợi ích cá nhân phải đặt trong tổng thể lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Vị diễn giả cũng phân tích về yếu tố "văn hóa doanh nghiệp" và điều kiện hòa nhập được với văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự thành công với mỗi nhân sự cũng như cả tập thể. Văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng trên các nguyên tắc, các giá trị cốt lõi như tiên phong, kỉ cương, kiên cường, năng lực lãnh đạo, trung thực, giữ gìn đạo đức...
Các giá trị này, để có thể trở thành máu thịt cần cả quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Ông Hải cho biết, nhiều ứng viên không xem trọng, không phù hợp với các giá trị của doanh nghiệp nên rất khó hội nhập.
Trên thực tế hiện nay, sau khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đưa nội dung "hội nhập" vào phần đầu tiên, trước hết trong quá trình đào tạo. Không vì yếu tố thu nhập hay năng lực, không ít nhân sự "văng" ngay giai đoạn hội nhập.
Có thể họ không đáp ứng được những các giá trị của doanh nghiệp và cũng có trường hợp ngược lại, giá trị doanh nghiệp có thể đi ngược với những giá trị sống của ứng viên.
Ở khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM bày tỏ, lâu nay chúng ta thường nghe phản ánh sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Việc đó tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Phương, việc đào tạo nguồn nhân lực phải gắn liền với nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp. Người học cần được tạo điều kiện thực tập, tham quan, giao lưu, tìm hiểu doanh nghiệp chuẩn bị cho hành trình ra trường, đi làm, có thể thuận lợi thích nghi với môi trường doanh nghiệp.
Theo dantri.com.vn