Pepper luyện đọc kinh với sư thầy tại một ngôi chùa gần Tokyo - ẢNH: NISSEI ECO
Theo Wall Street Journal, công ty Nissei Eco Co. của Nhật đã thuê robot Pepper của SoftBank để tụng kinh trong những buổi tang lễ. Thế nhưng, con robot này liên tục gặp trục trặc giữa lúc luyện tập. Osamu Funaki - quản lý kinh doanh tang lễ than thở: "Sẽ như thế nào nếu nó ngừng hoạt động giữa buổi lễ? Đó sẽ là một thảm họa". Vậy nên công ty đã kết thúc hợp đồng thuê robot, gửi lại cho nhà sản xuất.
Takayuki Furuta - người đứng đầu Trung tâm Công nghệ Robot Tương lai tại Viện Công nghệ Chiba cho biết: "Bởi vì nó có ngoại hình giống người nên mọi người kỳ vọng nó cũng thông minh như người. Trình độ của công nghệ chưa đạt được điều đó. Giống như sự khác biệt giữa ô tô đồ chơi và ô tô thực tế".
Hàng loạt robot Pepper được sử dụng khắp Nhật Bản cũng gặp những rủi ro tương tự. Sau khi mua 3 robot Pepper, một viện dưỡng lão ở Nhật phải sớm "đuổi việc" Pepper vì nó thường "nghỉ không có kế hoạch" giữa ca làm việc. Được thuê cổ vũ cho đội bóng chày SoftBank Hawks, Pepper tiếp tục bị khán giả phản đối vì "quá rùng rợn". Một người hâm mộ cho biết: "Nó làm tôi nhớ đến những cuộc diễu hành quân sự ở Triều Tiên hay Trung Quốc".
Robot làm việc trong viện dưỡng lão - ẢNH: REUTERS
Những sự cố "dở khóc dở cười" như vậy không chỉ xảy ra ở Nhật. Theo New York Post, chuỗi cửa hàng tạp hóa Margiotta ở Scotland cũng từng để Pepper làm việc trong một chi nhánh tại Edinburgh. Nhưng khi khách hàng hỏi vị trí các quầy hàng, nó luôn chỉ sang quầy rượu. Sau một thời gian, cảm thấy phản ứng của khách đối với robot không được như mong đợi, cửa hàng này đành phải cho Pepper... thôi việc.
Cuối tháng 6 vừa qua, bộ phận robot của SoftBank đã thông báo ngừng sản xuất Pepper và đang có kế hoạch tái cấu trúc nhóm phát triển robot toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Pepper không còn dùng được. Người phát ngôn của SoftBank khẳng định Pepper vẫn làm tốt các công việc như dạy học cho trẻ em, kiểm tra nhiệt độ cho người mắc Covid-19 ở bệnh viện, hoặc tiếp đãi thực khách tại các quán cà phê.
Robot phục vụ quán cà phê - ẢNH: SHUTTERSTOCK
SoftBank lần đầu giới thiệu mẫu robot hình người vào năm 2014, bắt đầu thương mại hóa vào năm 2015. Mỗi robot có giá bán khoảng 2.000 USD chưa tính phí dịch vụ, giá thuê cho doanh nghiệp từ 550 USD/tháng trở lên.
Người trong ngành cho rằng loa thông minh hoặc trợ lý ảo trên smartphone có thể dễ dàng làm những công việc như Pepper với mức giá thấp hơn và chức năng đáng tin cậy hơn. Theo tiến sĩ Furuta - chuyên gia robot, khách hàng nên xem Pepper như công cụ giải trí, như thú nuôi hay thú nhồi bông để tránh kỳ vọng quá nhiều về khả năng của nó.
Theo thanhnien