Nhiều người dân khắp các bang Virginia, California, New York, Colorado, Arizona và Vermont hôm 22/4 tụ tập biểu tình, yêu cầu các thống đốc dỡ lệnh phong tỏa, cho phép doanh nghiệp tái mở cửa, bất chấp nguy cơ lây nhiễm từ Covid-19. 

Tại Richmond, thủ phủ bang Virginia, hầu hết người biểu tình ngồi trong xe hơi, trong khi một số khác tụ tập bên ngoài cơ quan lập pháp bang để phản đối lệnh ở nhà dự kiến kéo dài đến ngày 10/6 của Thống đốc Ralph Northam.

Giữa cảnh hỗn loạn đó, bác sĩ Erich Bruhn và vợ Kristen, một cựu y tá, đứng lặng lẽ ở một góc. Mặc chiếc áo blouse màu trắng, đeo khẩu trang, họ cầm những tấm bảng ghi lời lẽ đanh thép gửi tới đám đông "Các bạn không có quyền đẩy tất cả chúng ta vào nguy hiểm. Hãy về nhà đi!", "Hãy đăng ký ở đây để chết cho nền kinh tế".


                               Vợ chồng bác sĩ Erich Bruhn và vợ Kristen (áo trắng) cầm bảng phản đối người biểu tình ở Richmond, thủ phủ bang Virginia, hôm 22/4. Ảnh: AP

"Sự thật là còn rất nhiều người không tán thành việc sớm mở cửa đất nước, nhưng họ không ra ngoài biểu tình vì họ đang ở nhà làm điều đúng đắn", ông Bruhn nói.

Bác sĩ phẫu thuật kỳ cựu khẳng định rằng "nhiều người sẽ chết" nếu Thống đốc Northam chấp thuận yêu cầu tái mở cửa của đám đông và trong số những người chết chắc chắn sẽ có các y bác sĩ.

Khi được hỏi liệu các vùng nông thôn với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong đã giảm đáng kể có nên mở cửa trước, ông Bruhn đáp: "Vâng, một số khu vực có thể làm thế, nếu họ tiến hành xét nghiệm và theo dõi phù hợp. Nhưng tôi không nghĩ có một giải pháp thần kỳ cho tất cả. Ở những nơi dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, những điểm nóng, chắc chắn là không nên". 

Vợ chồng ông bị một số người biểu tình chỉ vào mặt, dồn ép và chất vấn khi họ trên đường tới quảng trường thành phố. Tuy nhiên, nỗ lực chống biểu tình của họ không đơn độc.

Tại bang Arizona, y tá Lauren Leander đứng khoanh tay mạnh mẽ cạnh một số đồng nghiệp, đeo khẩu trang, mặc đồng phục y tế màu xanh, bất chấp những người biểu tình la ó và vẫy cờ trước mặt.

"Hành động này là vì tất cả những nhân viên chăm sóc sức khỏe, vì tất cả những bệnh nhân của tôi. Tôi ở đây giống như các bạn. Đó là vì cả đất nước này. Giúp chúng tôi là giúp các bạn", Leander viết trên mạng xã hội.

Nhiều người đã bày tỏ lòng biết ơn với Leander và các đồng nghiệp. 

"Hôm nay cô ấy đứng lên vì các nhân viên y tế khi người biểu tình tập trung ở cơ quan lập pháp. Cô ấy đứng trong im lặng khi mọi người gọi cô ấy là 'y tá giả mạo' và 'diễn viên được trả tiền' cùng những lời lẽ khủng khiếp khác", Zahid Seed, đồng nghiệp của Leander ở bệnh viện đại học Banner, thành phố Phoenix, nói.

"Thật trớ trêu, cô ấy đã trải qua nhiều ngày trong phòng hồi sức tích cực (ICU) chăm sóc cho những bệnh nhân nghiêm trọng nhất. Cô ấy đứng đó vì những người đang cần hỗ trợ sự sống và không thể tự cất tiếng nói. Khi họ nhiễm Covid-19 và lây cho người thân, Lauren sẽ là một trong những gương mặt đầu tiên họ nhìn thấy khi được đưa vào ICU. Cô ấy cũng có thể là một trong những gương mặt cuối cùng họ nhìn thấy". 


                         Y tá Lauren Leander (thứ hai từ trái sang) đứng cạnh một số đồng nghiệp đối đầu với người biểu tình ở thành phố Phoenix, bang Arizona, hôm 22/4. Ảnh: AP

Tại Los Angeles, California, người biểu tình tập trung ở tòa thị chính, bấm còi xe, vẫy cờ Mỹ. Tại Albany, New York, họ đứng trước cơ quan lập pháp bang với nhiều biểu ngữ chỉ trích Thống đốc Cuomo. 

Tại bang Vermont, người biểu tình bất chấp tuyết rơi ở thủ phủ Montpelier để phản đối lệnh phong tỏa. Một nhóm y tá mặc đồ bảo hộ và khẩu trang đối đầu với người biểu tình.

Mỹ hiện ghi nhận gần 850.000 ca nhiễm, trong đó hơn 46.000 ca tử vong. Số người chết giảm mạnh so với một ngày trước đó khi Tổng thống Donald Trump cho rằng "dịch đã qua đỉnh" và một số bang của Mỹ, trong đó có Georgia và Tennessee, thông báo sẽ mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể tấn công Mỹ vào mùa đông tới và mạnh hơn cả đợt dịch đầu tiên, khiến hệ thống y tế quốc gia chịu áp lực lớn.

Thậm chí khi lệnh phong toả đang được nới lỏng dần, Redfield nhấn mạnh rằng từng cá nhân vẫn cần phải duy trì cách biệt cộng đồng với người khác. Ông đồng thời cho hay giới chức y tế công cộng phải tăng cường xét nghiệm để xác định những người nhiễm virus và truy tìm những người tiếp xúc gần với họ.

Theo vnexpress