Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đeo khẩu trang và đặt vòng hoa tại công viên tưởng niệm hòa bình ở thành phố Hiroshima - Ảnh: Reuters

Tại công viên tưởng niệm hòa bình ở trung tâm Hiroshima, nhiều người đến cầu nguyện, hát và đặt những con hạc giấy như biểu tượng của hòa bình.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các nghi thức cũng được tối giản. Lối vào công viên bị hạn chế và chỉ những người sống sót sau sự kiện năm đó cùng gia đình mới có thể tham gia lễ tưởng niệm.

Địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm nhìn từ trên cao ở Hiroshima - Ảnh: Reuters

Thành phố cho biết vì ý nghĩa tưởng nhớ 75 năm vụ đánh bom gây thương vong cho 140.000 người, họ quyết định tổ chức lễ tưởng niệm với các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt dù dịch bệnh đang bùng phát.

"Vào ngày 6-8-1945, một quả bom nguyên tử đã phá hủy thành phố của chúng ta. Thời đó có người nói sẽ không có gì sống được ở đây cho tới 75 năm sau", Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu của thị trưởng Kazumi Matsui.

"Và Hiroshima đã hồi phục, trở thành biểu tượng của hòa bình."

Danh sách tên của những người chết trong chiến tranh được đại diện của các gia đình trao cho thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui - Ảnh: Reuters

Vào lúc 8h15 ngày 6-8-1945, máy bay chiến đấu B-29 của Mỹ đã thả quả bom có tên là "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima, giết chết trực tiếp 70.000 người trong số 350.000 người dân, làm bị thương 70.000 người và để lại các bệnh liên quan đến phóng xạ.

Và hôm nay 6-8-2020, vào đúng thời điểm quả bom phát nổ 75 năm trước, đám đông đứng im lặng mặc niệm dưới cái nóng mùa hè, cùng tiếng ve sầu kêu chói tai và tiếng chuông hòa bình ngân vang.

Người tham gia bao gồm thị trưởng Matsui thực hành giãn cách xã hội trong lúc mặc niệm - Ảnh: Reuters

Thị trưởng Hiroshima đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia từ bỏ chủ nghĩa dân tộc ích kỷ và đoàn kết chống lại mọi mối đe dọa.

"Khi đại dịch cúm năm 1918 tấn công cách đây một thế kỷ, nó đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và khủng bố thế giới vì các quốc gia khi đó chiến đấu trong Thế chiến I không thể cùng nhau chống lại nó", thị trưởng Matsui nói.

"Cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã dẫn tới Thế chiến II và vụ đánh bom nguyên tử. Chúng ta không bao giờ cho phép quá khứ đau đớn này lặp lại. Xã hội dân sự phải từ bỏ chủ nghĩa dân tộc và phải đoàn kết chống lại mọi mối đe dọa".

Người dân đốt nhang trước khi cầu nguyện cho nạn nhân vụ đánh bom - Ảnh: Reuters

Cầu nguyện cho nạn nhân vụ ném bom nguyên tử năm 1945 - Ảnh: Reuters

Năm nay, số lượng du khách nước ngoài đã giảm nhiều. Tổng số người tham dự cũng giảm 10% so với mọi năm với những chiếc ghế đặt xa nhau và ai cũng đeo khẩu trang.

Sau vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki (ngày 9-8-1945), Nhật Bản đầu hàng, đặt dấu chấm hết cho đệ nhị Thế chiến.

Một số hình ảnh vụ ném bom ngày 6-8-1945:

Máy bay B-29 Enola Gay của Mỹ đáp xuống căn cứ không quân Tinian ở quần đảo Mariana sau nhiệm vụ ném bom nguyên tử vào thành phố Hiroshima - Ảnh: Reuters

Đám mây hình nấm sau khi quả bom phát nổ. Quả bom Little Boy có sức công phá 13-16 nghìn tấn TNT, nhỏ hơn so với bom nguyên tử "Fat Man" được thả vào Nagasaki - Ảnh: Reuters

Hiroshima bị phá hủy sau vụ ném bom - Ảnh: Reuters

Quang cảnh tiêu điều của Hiroshima ngày đó - Ảnh: Reuters

Hiroshima vào tháng 3-1946, gần nửa năm sau vụ ném bom - Ảnh: Reuters

Theo tuoitre