Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu trong lễ thoái vị ở hoàng cung chiều 30-4 - Ảnh: REUTERS

Lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito vào chiều 30-4 được đánh giá là một sự kiện ngắn và khá đơn giản, theo Hãng tin Reuters. 

Với việc thoái vị của Nhật hoàng Akihito, triều đại Heisei (Bình Thành) của ông đã kết thúc sau 30 năm. Hoàng thái tử Naruhito sẽ nối ngôi và nước Nhật bước vào triều đại mới có niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa).

Thái tử Naruhito (người sẽ kế vị "Ngai vàng Hoa Cúc" vào ngày 1-5) và Thái tử phi Masako dự lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito - Ảnh: REUTERS

Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực hàn gắn vết thương từ Thế chiến 2 và dành sự quan tâm hết mực cho những thường dân bị gạt sang bên lề của xã hội Nhật Bản. 

Nhật hoàng Akihito là vị thiên hoàng đầu tiên nắm giữ “Ngai vàng Hoa Cúc” dưới hiến pháp hậu chiến của Nhật Bản, theo đó xem thiên hoàng là biểu tượng của nhân dân và không có thực quyền. 

Các quan chức Cơ quan hoàng gia Nhật Bản mang ra 2 trong số 3 báu vật thiêng (gồm thanh kiếm, viên ngọc quý và gương) tại lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito - Ảnh: REUTERS

Kể từ khi thể hiện mong muốn thoái vị vì lý do sức khỏe, giờ đây Nhật hoàng Akihito mới có thể chính thức rời ngai vàng, trở thành thượng hoàng.

Trong những phát ngôn cuối cùng trên cương vị thiên hoàng, Nhật hoàng Akihito đã cảm ơn người dân Nhật Bản vì sự ủng hộ của họ và bày tỏ hi vọng về một tương lai hòa bình tại lễ thoái vị chiều 30-4. 

“Hôm nay (30-4), tôi sẽ kết thúc vai trò thiên hoàng. Kể từ khi lên ngôi cách đây 30 năm, tôi đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong vai trò thiên hoàng với sự tin tưởng và tôn trọng dành cho người dân. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi có thể làm được như vậy” - vị Nhật hoàng 85 tuổi nói trong bài phát biểu được phát qua truyền hình quốc gia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại lễ thoái vị mang tên Taiirei-Seiden-no-gi của Nhật hoàng Akihito tại hoàng cung chiều 30-4 - Ảnh: REUTER

Một góc của hoàng cung Nhật nhìn từ trên cao ngày 30-4, ngày Nhật hoàng Akihito thoái vị - Ảnh: REUTERS

Lễ thoái vị từ 17h-17h10 ngày 30-4 giờ Nhật Bản (tức từ 15h-15h10 cùng ngày giờ VN):

Buổi lễ diễn ra tại "Hội trường Thông" nổi tiếng với sàn gỗ được đánh bóng và được xem là căn phòng quan trọng nhất trong hoàng cung. Khoảng 300 người dự lễ, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia.

Những vật tượng trưng cho hoàng vị như quốc ấn (quốc tỉ) và triện hoàng đế được đưa tới buổi lễ. Cùng với đó là một thanh kiếm và viên ngọc quý (2 trong số 3 báu vật thiêng của hoàng gia Nhật, báu vật thứ 3 là gương).

Nhật hoàng Akihito đến dự nghi lễ Taiirei-Tojitsu-Kashikodokoro-Omae-no-gi để thông báo về việc cử hành lễ thoái vị ở hoàng cung ngày 30-4 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu về lễ thoái vị của thiên hoàng, sau đó Nhật hoàng Akihito đưa ra phát ngôn cuối cùng với tư cách là người đứng đầu hoàng gia.

Hoàng hậu Michiko, thái tử Naruhito và thái tử phi Masako có mặt cùng với các quan chức Nhật Bản tại buổi lễ.

Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko và các thành viên hoàng gia tham gia nghi lễ thoái vị Taiirei-Seiden-no-gi tại hoàng cung chiều 30-4 - Ảnh: REUTERS

Ngày 30-4-2019, nhân dịp nhà vua Nhật Bản Akihito thoái vị, trở thành thượng hoàng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới thượng hoàng Nhật Bản Akihito.

Trong thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của thượng hoàng Akihito đối với đất nước, con người Việt Nam, đồng thời đánh giá cao ý nghĩa lịch sử chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nhà vua Nhật Bản năm 2017, khi thượng hoàng Akihito còn tại vị.

 

Thái tử Naruhito và thái tử phi Masako đến hoàng cung ở Tokyo để dự lễ tuyên bố thoái vị của vua cha vào chiều 30-4 - Ảnh: REUTERS

Từ 10h30-10h40 ngày 1-5 giờ Nhật Bản (tức từ 8h30-8h40 cùng ngày giờ VN):

Giai đoạn đầu tiên để hoàng thái tử Naruhito thừa kế ngai vàng.

Các con dấu, thanh kiếm và viên ngọc quý sẽ được đặt trên bàn ngay trước mặt tân Nhật hoàng, như một bằng chứng cho thấy sự kế vị hợp pháp của ông.

Tân Nhật hoàng Naruhito sẽ mặc áo đuôi tôm phương Tây. Trước đây, Nhật hoàng Akihito cũng mặc loại áo phương Tây này khi ông nối ngôi vào tháng 1-1989.

Từ 11h10-11h20 ngày 1-5 giờ Nhật Bản (tức từ 9h10-9h20 cùng ngày giờ VN):

Tân Nhật hoàng Naruhito sẽ có bài phát biểu công khai đầu tiên trong vai trò mới ở "Hội trường Thông". Tại đây, những phát ngôn của ngài có thể sẽ cho thấy mục tiêu và hi vọng trong triều đại mới - Reiwa (Lệnh Hòa).

Ảnh chụp ngày 25-9-1991 cho thấy Nhật hoàng Akihito (thứ 2 từ phải sang) và hoàng hậu Michiko (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Thái Lan Sirikit Kitiyakara ở Bangkok - Ảnh: AFP

Năm 1989, Nhật hoàng Akihito đã cam kết sẽ bảo vệ Hiến pháp Nhật Bản và làm tròn nghĩa vụ của mình. Ngài cũng bày tỏ hi vọng về sự phồn thịnh quốc gia, hòa bình toàn cầu và hạnh phúc của nhân loại.

Thủ tướng Abe cũng sẽ có bài phát biểu với tư cách là người đại diện nhân dân Nhật Bản. Tân hoàng hậu Masako và các thành viên hoàng gia khác cũng có mặt tại sự kiện.

Ngày 4-5: Tân Nhật hoàng và hoàng hậu triều đại mới sẽ có màn xuất hiện trước công chúng đầu tiên, gặp gỡ những người chúc phúc tại hoàng cung. Họ sẽ xuất hiện 6 lần trong ngày, bắt đầu từ 10h sáng.

Ngày 22-10: Chính thức tổ chức Sokuirei Seiden no Gi (lễ đăng cơ), theo đó Nhật hoàng Naruhito chính thức đăng cơ trong một buổi lễ lớn với sự tham dự của quan khách đến từ gần 200 quốc gia.

Ngày 14 tới 15-11: Lễ Daijokyu no Gi (lễ Đại tạ ơn). Tại đây, Nhật hoàng sẽ dâng sake cùng lúa gạo mới thu hoạch lên tổ tiên và các vị thần, cầu nguyện mùa màng bội thu và hòa bình cho người dân.

                                                                                                                                                                Theo Tuổi Trẻ