Cảnh sát Hong Kong trấn áp người biểu tình tại Đại học Bách khoa Hong Kong ngày 18-11 - Ảnh: Reuters

Tôi nhớ trước đây khi biểu tình mới bắt đầu, anh đã nói với chúng tôi rằng chuyện của người Hong Kong để cho người Hong Kong giải quyết.

Tôi hiểu, sinh viên quốc tế như tôi, dù còn 2 năm nữa mới học xong nhưng bất cứ khi nào có vấn đề gì, tôi luôn có một nơi để trở về. Còn những người dân bản địa, thành phố này là nhà, là quê hương, là nơi họ yêu thương như mạng sống của mình. 

Không thể phủ nhận biểu tình mang đến rất nhiều bất tiện và lo âu cho chúng tôi, nhưng tôi luôn nhắc bản thân rằng: tôi đã lựa chọn đến Hong Kong, thì lúc nó phồn vinh rực rỡ, hay lúc nó bi thương bất ổn, chúng tôi đều phải chấp nhận. 

Lúc đó, tôi cũng chỉ nghe về biểu tình qua Instagram và Facebook của bạn bè, còn bản thân vẫn chỉ tập trung vào việc học và nghiên cứu của mình. Thầy hướng dẫn của tôi nói bên ngoài loạn nhưng lòng mình không loạn là được. 

Đúng vậy, dù biểu tình trong 6 tháng qua đã trở thành một phần cuộc sống Hong Kong, dù có rất nhiều câu chuyện bi thương và khó tin xảy ra, nhưng các giáo sư vẫn lên lớp như thường, chỉ khác rằng hầu hết các giờ học sẽ được ghi hình lại để tải lên Blackboard, giúp các sinh viên bãi khóa vẫn theo được bài vở.

6 giờ sáng 13-11-2019

Tôi thức dậy trong tiếng chim kêu xao xác ngoài bancông. Căn hộ ở ký túc xá nghiên cứu sinh CUHK chỉ còn lại tôi và một cô bạn đến từ Trung Quốc đại lục. Cô bạn đã sắp xếp xong "hành lý khẩn cấp" của mình, ăn sáng xong sẽ cùng bạn trai đi bộ ra khỏi cổng trường để về Thâm Quyến.

Cô bạn bảo tôi: "Đến chim chóc cũng thấy sợ bầu không khí này".

Tôi không biết cô bạn nói đến hàng nghìn quả đạn hơi cay bắn vào người biểu tình chiếm giữ CUHK trong 2 ngày trước đó, hay nói đến những ký túc xá không một bóng người những ngày này.

Điện thoại tôi rung lên liên tục, tin nhắn hầu như là hai nội dung: "CUHK thế nào rồi?", "Cậu còn ở trong trường không?".

3 giờ chiều 14-11

Thầy hướng dẫn nhắn tin khuyên tôi rời trường, nếu có thể thì về Việt Nam luôn. Bản thân tôi không muốn rời đi vì như nhiều người khác, tôi cảm thấy trường đại học không phải là thứ để mình phải trốn chạy. 

Nhưng vì nếu cứ ở mãi trên núi, khi giao thông bị gián đoạn, chúng tôi có thể sẽ không có lương thực, và những lo ngại về chất lượng không khí cùng nguồn nước khiến nhà trường quyết định kết thúc học kỳ để sinh viên ĐH và sinh viên trao đổi có thể về nhà, còn những nghiên cứu sinh muốn ở lại thì sẽ được đưa ra hostel ngoài trường.

Người biểu tình nói rằng họ đang cố thủ để bảo vệ CUHK khỏi cảnh sát. Từ đầu tới cuối, tôi luôn ủng hộ mọi người nói ra điều mình nghĩ, bởi vì nói ra nghĩa là bạn còn quan tâm, còn chừng nào chẳng ai buồn nói hay đấu tranh, lúc ấy mới thực sự là đáng sợ.

Nhưng, tôi thực sự không đồng tình việc đập phá MTR, xịt sơn khắp trường học, đập phá các cửa hàng có liên quan tới Trung Quốc đại lục, hay vác cờ Mỹ cờ Anh đi biểu tình. Và tôi thực sự không hiểu tại sao phải bảo vệ trường học khỏi cảnh sát? Không phải nhiệm vụ của cảnh sát là trấn áp những hành vi phạm tội và bảo vệ an nguy của người dân sao?

8 giờ tối 16-11

Nhờ có anh chị em ở Hong Kong cưu mang, và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Hong Kong và Macau giúp đỡ, tôi và 4 sinh viên bậc đại học ở CUHK đều trở về Việt Nam an toàn.

Tôi thực sự mong rằng với những ai không thực sự hiểu và yêu thương Hong Kong, đừng phản đối một cách cực đoan hay ủng hộ lấy được. Chuyện của người Hong Kong hãy để người Hong Kong giải quyết! Xin đừng mang nỗi đau, máu và nước mắt của họ ra để phục vụ mục đích khác.

Đến lúc này, tôi chỉ mong ánh sáng rực rỡ sớm quay lại với Hong Kong, nơi mỗi trường đại học là thánh đường của học thuật, mỗi người dân có thể yên tâm rằng chính phủ sẽ chăm lo cho những quyền lợi cơ bản nhất của họ, và công việc của cảnh sát chỉ đơn thuần là đối đầu với tội phạm.

Cảnh sát siết chặt vòng vây

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động tiếp diễn bên ngoài Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) ngày 18-11 khiến nhiều người cả hai bên bị thương. Tình hình vẫn căng thẳng vì người biểu tình cố thủ trong lúc cảnh sát quyết bắt giữ toàn bộ người bên trong.

"Tôi đến đây vì nghĩ rằng bản thân có thể giúp được gì đó cho mọi người. Nếu có cơ hội để về nhà, tôi sẽ về lập tức", một học sinh 15 tuổi bị kẹt bên trong PolyU giãi bày với báo South China Morning Post tối 18-11.

Trong một thông báo trên Facebook, cảnh sát Hong Kong nhấn mạnh họ đã nhiều lần kêu gọi người biểu tình rời khỏi khu vực nhưng những người này đã phớt lờ và đẩy sự việc thành một cuộc bạo động.

Theo Hãng tin Reuters, đến đầu giờ chiều cùng ngày, khoảng vài chục người biểu tình không đeo mặt nạ phòng độc tìm cách trốn ra ngoài. Vài người trốn thoát nhưng phần lớn bị đẩy lùi trở lại trường khi cảnh sát chặn đường và bắn đạn hơi cay ngăn cản. Một số chính trị gia Hong Kong ủng hộ dân chủ lo ngại cảnh sát đang siết chặt vòng vây, cô lập và bắt toàn bộ người biểu tình bên trong PolyU.

Cảnh sát khẳng định họ chỉ bắn đạn hơi cay vì mục đích phòng vệ do trong số những người muốn phá vòng vây có nhiều người cầm bom xăng trên tay và xông về phía họ.

Tối 18-11, một nghị sĩ Hong Kong yêu cầu cuộc gặp khẩn cấp với Trưởng đặc khu Carrie Lam sau khi có thông tin khoảng 100 học sinh cấp hai vẫn còn bên trong PolyU. Nhiều người được cho là phụ huynh các học sinh, sinh viên bị kẹt bên trong PolyU cũng kéo đến khu vực Tiêm Sa Chủy, yêu cầu cảnh sát mở vòng vây để con họ trở ra an toàn. Vài người không kiềm được cảm xúc đã bật khóc. (BẢO DUY) 

Theo tuoitre