Biến đổi khí hậu trở thành một yếu tố cân nhắc trong quyết định có con của giới trẻ - Ảnh: ANH THƯ

Dù các yếu tố kinh tế - xã hội vẫn là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ sinh giảm ở nhiều nước, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu cũng là tác nhân khiến các cặp vợ chồng trẻ… ngại đẻ.

Có vẻ đây là một xu hướng vì nó được chứng minh qua các con số cụ thể. Một cuộc thăm dò năm 2019 của Business Insider chỉ ra rằng gần 38% người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 29 cho rằng các cặp vợ chồng nên cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong quyết định sinh con.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát chi tiết trên 901 người trưởng thành, từ 27 đến 60 tuổi, của ĐH Yale - NUS ở Singapore gần đây khẳng định họ cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong lựa chọn sinh con.

"Trong khi các mối lo ngại về dấu chân carbon còn mang tính trừu tượng và khó hiểu, thì câu hỏi liệu trẻ em có cuộc sống khỏe mạnh trong thời đại biến đổi khí hậu hay không lại thể hiện sự lo lắng sâu sắc và thực tế".

GS SCHNEIDER 


Chuyện của Bickner và Mackellen

Theo báo Guardian của Anh, hai phụ nữ Brandalyn Bickner và Gwynn Mackellen là một phần trong phong trào của thế hệ trẻ - những người đang liên kết biến đổi khí hậu và các tác động của nó với lựa chọn sinh sản cá nhân. 

Họ quan tâm đến khí hậu và tương lai với vô vàn câu hỏi: có bao nhiêu đứa trẻ phải gánh hậu quả khi lớn lên từ những việc làm của con người ở hiện tại? Hay liệu chúng ta có nên sinh con hay không?

Từ nhỏ, Bickner đã có niềm tin là cô sẽ trở thành mẹ của 13 đứa trẻ. Tuy nhiên, niềm tin càng vơi dần khi cô lớn lên. Ở tuổi 23, Bickner gia nhập Tổ chức Peace Corps ở Malawi và tìm thấy nhiều lý do để điều chỉnh kế hoạch có con của mình.

Sống tại quê nhà Malawi trong 4 năm, Bickner chứng kiến các tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc gia của mình vốn chủ yếu sống bằng nghề nông. Do đó, cô cảm thấy có lỗi với một lối sống quá nhiều "dấu chân carbon" tại Mỹ. "Dấu chân carbon" là lượng phát thải CO2 mỗi người sinh ra có thể gây hại đối với môi trường.

Bickner muốn có những đóng góp cá nhân cho nỗ lực kiềm chân biến đổi khí hậu. Hiện nay ở tuổi 28, Bickner nhận ra rằng việc có một đứa con sẽ là lựa chọn gián tiếp để lại nhiều dấu chân carbon nhất của cô.

Tương tự, Gwynn Mackellen (người Mỹ) quyết định triệt sản vì môi trường ở tuổi 26. "Tôi làm trong ngành công nghiệp chất thải. Những cái cây bị đốn hạ vì chúng ta. Rác thải bị bỏ đi và khoáng sản đang được khai thác vì con người. Có ít người thì những tác động như vậy sẽ ít đi" - Mackellen nói.

Nhưng có phải do đẻ?

Trợ lý giáo sư Matthew Schneider, trưởng dự án khảo sát về sự liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sinh con của ĐH Yale - NUS, cho rằng những người trẻ tuổi đang nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu và họ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc có nên sinh con hay không, ít hay nhiều con.

Ông Schneider khẳng định số người rơi vào tình cảnh này trên khắp thế giới sẽ tăng lên theo thời gian do ý thức của giới trẻ ngày càng cao trong vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên tỉ lệ sinh có phải là thước đo chính xác để chúng ta tập trung xem xét? Có những nghiên cứu thuyết phục chỉ ra rằng ngay cả khi áp dụng những biện pháp giảm dân số khắc nghiệt, nó cũng không giúp gì nhiều trong việc làm chậm lại đà tăng dân số toàn cầu hoặc giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu.

Betsy Hartmann, giáo sư nghiên cứu phát triển tại ĐH Hampshire, Massachusetts (Mỹ), đưa ra một ví dụ "ngược" để chứng minh cho luận điểm trên khi cho biết các quốc gia ở khu vực châu Phi Hạ Sahara dù có tỉ lệ sinh khá cao nhưng lượng khí thải carbon trên đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới.

Do đó theo GS Betsy Hartmann, thay vì xem việc tăng dân số là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu một cách thiếu căn cứ, chúng ta cần phải đối phó với những thủ phạm thực sự gây ra biến đổi khí hậu, đó là các công ty nhiên liệu hóa thạch và các nhóm lợi ích chính trị và quân sự đứng đằng sau các công ty này.

Theo tuoitre