Jeff (58 tuổi) và Connie Ordway (62 tuổi) đã kết hôn được 18 năm nhưng hiện tại họ đang sống ở hai nơi khác nhau.
Tháng 7/2021 - 17 tháng sau đại dịch - bà Connie, một người hướng ngoại, muốn chuyển đến gần thành phố Columbia (Mỹ).
“Việc phong tỏa trang trại khiến mọi thứ khó khăn hơn. Tôi cần tìm cách để vợ vui vẻ trở lại”, ông Jeff nói.
Vợ chồng Ordway có hai người con, 17 và 14 tuổi. Họ cho rằng những đứa trẻ sẽ phát triển tốt hơn khi đi học ở vùng nào đó không quá hẻo lánh.
Vì vậy, vào tháng 3/2022, bà Connie đã tìm một căn hộ ở Columbia, cách nơi ở cũ 20 phút lái xe. Bà cũng nhận được công việc lái xe đưa đón tại Đại học Missouri nên không quá nặng nề về chuyện tài chính.
Họ đến thăm đối phương vài lần một tuần, nói chuyện qua điện thoại mỗi sáng và tối.
Dù các hạn chế về đại dịch được nới lỏng và con cái đã nghỉ học để đi làm, hai người vẫn duy trì khoảng cách.
“Có cảm giác như chúng tôi đang hẹn hò trở lại”, người vợ chia sẻ.
Mệt mỏi khi sống chung
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng các cặp vợ chồng người Mỹ “sống xa nhau” bắt đầu leo dốc trở lại.
Trong khi tỷ lệ kết hôn giảm từ năm 2000 đến năm 2019 thì con số ly dị lại tăng lên.
Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số, tỷ lệ đôi vợ chồng sống riêng đã tăng hơn 25% trong 9 năm.
Tính đến năm nay, có 3,89 triệu người đang không ở cùng vợ/chồng của họ, tương đương khoảng 2,95% dân số đã kết hôn.
Đại dịch có thể đóng một vai trò trong tình trạng này. Bởi vì chênh lệch giới tính trong hôn nhân đã trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt là đối với các bà mẹ.
"Tôi là một người mẹ, một người vợ, một nông dân. Tôi không biết mình phù hợp ở đâu. Việc có nhà riêng giúp tôi nhớ lại mình là ai, thích làm gì khi ở một mình”, bà Connie nói, nhớ lại cảm giác trước khi chuyển đến nơi ở mới.
Ngay cả trước khi bùng dịch, sức khỏe của phụ nữ là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định sống xa nhau.
Giải pháp này có thể là một cách giúp họ gặt hái những lợi ích trong hôn nhân - tình yêu, sự cam kết, sự hỗ trợ - đồng thời tránh được những gánh nặng thường xảy ra khi làm vợ, bao gồm cả khối lượng công việc không cân xứng có xu hướng đổ lên vai họ ở nhà.
Sana Akhand (33 tuổi, người Pakistan) sống cách chồng 30 phút đi bộ ở New York từ tháng 10/2021 đến tháng 6 năm nay. Cô cho biết việc tạm ly thân cho phép cô tạo ra cuộc sống mà mình hằng mơ ước từ thời con gái và tìm kiếm sự nghiệp cá nhân.
Cha mẹ của Sana di cư đến Mỹ và thành lập công việc kinh doanh ở đây. Do vậy, cô luôn muốn trở thành một doanh nhân.
Nhưng khi kết hôn vào 7 năm trước, người phụ nữ 33 tuổi, đồng thời là một nhà văn và diễn giả truyền động lực, cảm thấy khó cân bằng những nguyện vọng này.
Sana cho rằng bản thân đang mất đi tính độc lập và bản chất cá tính của mình. Cô bị cuốn vào những vai trò và lối sống siêu truyền thống, chẳng hạn làm vợ.
Những thách thức này chỉ trở nên sâu sắc hơn khi cô và chồng, Adnan Akhand, nhân viên kế toán, phải “làm việc, sống, thở” trong căn hộ một phòng ngủ trong thời gian phong tỏa. Sana cảm thấy mình ngày càng dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình.
“Làm vợ thực sự rất mệt mỏi trong tiềm thức, bởi vì bạn chỉ sống cho người khác và hạnh phúc của họ”, Sana than thở.
Sống riêng để tìm tự do
Ý tưởng tách nhau ra được nảy sinh vào mùa hè năm 2021. Trước đây, Sana chưa bao giờ sống một mình vì bố mẹ cực kỳ nghiêm khắc về việc phụ nữ không được ra khỏi nhà cho đến khi kết hôn.
Ban đầu, vợ chồng cô không dám nói với bố mẹ, bạn bè về quyết định này vì sợ mọi người nghĩ rằng họ sắp ly hôn.
Tuy nhiên, khi gia đình Sana biết chuyện, phản ứng của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Mẹ cô vui mừng cho con gái vì đã được tự do làm những gì mình thích. Còn người bố thì cáu gắt và tỏ ý không hài lòng.
Sống trong căn hộ cá nhân, Sana có cơ hội kết nối lại với chính mình. Cô dành nhiều thời gian hơn cho hội chị em và tập trung vào công việc. Sự nghiệp của cô cũng thăng hoa và đã có được hợp đồng xuất bản cuốn sách đầu tiên.
“Khi tôi không ở bên anh ấy 24/7, những suy nghĩ lo âu giảm dần. Tôi không cần nghĩ ngợi chồng có ăn uống không, có ổn không, anh ấy phải tự lo cho bản thân”, cô nói.
Có nhiều yếu tố góp phần làm cho mô hình gia đình kiểu này được xã hội chấp nhận. Một trong số đó là khả năng đồng thuận ngày càng tăng của các mối quan hệ không giống như hôn nhân khác giới truyền thống, với tất cả những áp lực và khuôn mẫu kèm theo nó.
Vào năm 2016, Stephanie Coontz, nhà sử học, đã dự đoán rằng sự ra đời của hôn nhân đồng giới có thể cung cấp những mô hình mới về cách các cặp đôi dị tính có thể kết hợp sự bình đẳng, thân mật và ham muốn tình dục. Sống xa nhau có thể là một trong những hình thức này.
Theo Zingnews