leftcenterrightdel
Qandi Gul ôm em trai bên ngoài ngôi nhà ở Herat, Afghanistan 

Chồng của Aziz Gul đã âm thầm bán đứa con gái 10 tuổi cho một vụ kết hôn mà không nói cho vợ mình biết. Số tiền cọc khoảng 1.000 USD từ vụ mua bán này được anh dùng để nuôi gia đình gồm 5 đứa con còn lại - mà đứa lớn nhất 12 tuổi, còn bé nhỏ nhất chỉ mới được 2 tháng.

Người chồng giải thích với vợ rằng, nếu không có số tiền này, cả gia đình sẽ chết đói, và hai vợ chồng cần phải hy sinh một đứa con để cứu những đứa còn lại.

Gia đình của Gul chỉ là một phần nhỏ trong số hàng triệu người đang phải sống trong cảnh túng thiếu và phải đưa ra quyết định bán con trong tuyệt vọng ở Afghanistan, khi nước này đang rơi vào vòng xoáy nghèo đói.

Nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ của Afghanistan đã xuống dốc khi Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8/2021, kéo theo sự rút lui của quân đội Mỹ và các nước thuộc NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Sau đó, cộng đồng quốc tế cũng đã phong tỏa tài sản của Afghanistan ở nước ngoài, tạm dừng tất cả các nguồn tài trợ, và hạn chế quan hệ với chính phủ Taliban.

Những động thái này càng khiến Afghanistan - vốn đã bị tàn phá bởi 4 thập niên chìm trong chiến tranh, nạn hạn hán kinh hoàng và đại dịch COVID-19 - thêm lao đao. Các công chức nhà nước, bao gồm cả bác sĩ, đã không được trả lương trong nhiều tháng. Nhiều gia đình phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói. Theo các nhóm viện trợ, hiện có hơn một nửa dân số Afghanistan đang bị thiếu lương thực trầm trọng.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính đến cuối năm 2021, ước tính có khoảng 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng cấp tính.

“Tình hình ở đất nước này đang ngày một xấu đi. Chúng tôi rất đau lòng khi thấy các gia đình sẵn sàng bán con để nuôi các thành viên còn lại trong gia đình. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để cộng đồng nhân đạo chia sẻ với người dân Afghanistan”, Asuntha Charles - Giám đốc quốc gia của World Vision (Tầm nhìn thế giới), một tổ chức cứu trợ đang điều hành một phòng khám sức khỏe cho những người phải chuyển chỗ ở tại khu ngoại ô Herat - lên tiếng.

leftcenterrightdel
Bác sĩ của World Vision đang khám cho một đứa trẻ ở khu tạm cư Herat 

Hiện, việc dàn xếp hôn nhân cho các bé gái đang xảy ra thường xuyên ở Afghanistan. Theo đó, gia đình chú rể - thường là họ hàng xa của nhà gái - phải trả “tiền cọc” để chốt thỏa thuận mua bé gái. Sau đó, đứa trẻ vẫn được ở với cha mẹ ruột cho đến khi 15 hoặc 16 tuổi. Vì không có tiền để sinh sống, nhiều gia đình có thể cho chú rể tương lai “bắt dâu” sớm hơn, hoặc thậm chí tìm cách bán cả những bé trai cho những gia đình không sinh được con trai.

Nhưng Gul, người cũng đã kết hôn từ năm 15 tuổi, đang tìm cách phản đối quyết định bán con của chồng. Gul nói rằng cô sẽ tự sát nếu con gái cô, Qandi Gul, bị bắt đi để cưỡng hôn.

Người chồng của Gul đã bỏ trốn, có thể vì sợ Gul sẽ tố cáo anh ta với chính quyền. Chính phủ Taliban gần đây đã công bố lệnh cấm ép buộc phụ nữ kết hôn, hoặc sử dụng phụ nữ và trẻ em gái làm “vật trao đổi” để giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, Gul cho biết, gia đình của chú rể tương lai - một thanh niên khoảng 21 hoặc 22 tuổi - đã nhiều lần đòi bắt con gái của cô và cô không biết mình có thể bảo vệ con đến khi nào.

“Tôi đang cảm thấy rất tuyệt vọng. Tôi đã nói rằng, nếu không trả lại được số tiền cọc và mất con gái, tôi sẽ tự sát. Nhưng sau đó tôi nghĩ đến những đứa con khác. Điều gì sẽ xảy ra với chúng, ai sẽ nuôi chúng? Chúng tôi chẳng có gì cả”, Gul than thở.

Theo phunuonline