Theo cuộc khảo sát của tổ chức Plan International, cứ 5 trẻ em gái và phụ nữ thì có 1 người hạn chế hoặc ngừng dùng các nền tảng truyền thông xã hội sau khi là mục tiêu quấy rối, tấn công.
Cuộc khảo sát lấy ý kiến của 14.000 trẻ em gái và phụ nữ 15-25 tuổi ở 22 quốc gia bao gồm Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Tây Ban Nha, Thái Lan và Mỹ. 60% người được hỏi cho biết từng bị quấy rối trên mạng, theo Reuters.
Các cuộc tấn công phổ biến nhất là trên Facebook (39%), tiếp theo là Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%).
|
Nhiều cô gái bị bắt nạt, quấy rối trên mạng. Ảnh:mediaobserver. |
Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy phần báo cáo ở các nền tảng mạng xã hội không hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi lạm dụng, bao gồm tin nhắn quấy rối, ảnh khiêu dâm và theo dõi trên mạng (Cyberstalking).
Gần một nửa số trẻ em gái bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục. Nhiều người cho biết việc lạm dụng đã gây tổn hại về mặt tinh thần, 1/4 cảm thấy không an toàn về thể chất.
“Đã đến lúc điều này phải dừng lại. Các cô gái không nên chịu đựng hành vi quấy rối, bắt nạt trực tuyến - điều có thể trở thành hành vi ngoài đời thực bất cứ lúc nào", báo cáo viết.
Plan International cũng cho biết giữa thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, việc lên tiếng tố cáo nạn quấy rối đối với các nạn nhân càng khó khăn. Tổ chức này kêu gọi các công ty truyền thông xã hội nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề này và thúc giục các chính phủ thông qua luật đối phó nạn quấy rối trực tuyến.
Facebook, Instagram cho biết đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm kiếm nội dung bắt nạt, liên tục theo dõi các báo cáo lạm dụng của người dùng và luôn loại bỏ các mối đe dọa hiếp dâm. Twitter cũng tung ra các công cụ để cải thiện quyền kiểm soát của người dùng đối với các cuộc trò chuyện của họ.
|
Bị quấy rối, nhiều phụ nữ bỏ dùng mạng xã hội. Ảnh:Istock. |
Anne-Birgitte Albrectsen, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết các nhà hoạt động, bao gồm cả những người vận động cho bình đẳng giới và các vấn đề LGBTQ, thường trở thành đối tượng bị tấn công, cuộc sống và gia đình họ cũng bị đe dọa.
“Trong một thế giới kỹ thuật số ngày càng phát triển, việc để các cô gái không còn tiếp xúc với không gian mạng vì bị bắt nạt, quấy rối là vô cùng đáng thất vọng. Điều đó còn tổn hại đến khả năng được nhìn thấy, lắng nghe và trở thành nhà lãnh đạo của họ", bà nói thêm.
Trong một bức thư ngỏ gửi Facebook, Instagram, TikTok và Twitter, nhiều cô gái từ khắp nơi trên thế giới đã kêu gọi các công ty truyền thông xã hội tạo ra những cách hiệu quả hơn để báo cáo nạn lạm dụng.
“Chúng tôi sử dụng (nền tảng của các bạn) không chỉ để kết nối với bạn bè mà còn để dẫn dắt và tạo ra sự thay đổi. Nhưng chúng tôi không được an toàn. Chúng tôi bị quấy rối và lạm dụng mỗi ngày. Đặc biệt, đại dịch khiến chúng tôi phải online nhiều hơn, nguy cơ bị tấn công cũng cao hơn bao giờ hết”, họ viết.
Plan International cũng kêu gọi các công ty phải làm nhiều hơn nữa để xử lý những kẻ đứng sau hành vi lạm dụng, hỗ trợ thu thập dữ liệu về quy mô của vấn đề.
Theo Zing