Ảnh minh họa.

Ngay khi còn đang trong thời gian nghỉ lễ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thông báo kích hoạt chế độ làm việc từ xa đến các nhân viên của mình, chủ động phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh tối đa.

Chủ động, sẵn sàng làm việc từ xa

Chiều 3-5 - ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, nhân viên Công ty quan hệ công chúng và quảng cáo Dentsu Việt Nam (quận 1, TP.HCM) gửi thông báo đến nhân viên đi du lịch ngoài TP.HCM phải “làm việc từ xa tại nhà đến hết tuần hoặc khi có thông báo mới”.

Các nhân viên này cũng được “dặn dò” phải báo cáo công việc cũng như tình hình sức khỏe thường xuyên, khai báo y tế và luôn thực hiện 5K để phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Công ty VNG cho phép nhân viên làm việc ở văn phòng các tỉnh, thành đang có dịch như Hà Nội, Đà Nẵng có thể làm việc tại nhà. Riêng nhân viên về TP.HCM từ các vùng dịch “thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà theo chỉ đạo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)”. Đồng thời công ty này cũng thông báo tạm hoãn tất cả các hoạt động teambuilding trong tháng 5 tới khi có thông báo mới.

Tương tự, những nhân viên của Công ty dịch vụ trực tuyến VietUnion (quận 1, TP.HCM) trở về từ vùng dịch cũng phải “sắp xếp làm việc tại nhà thay vì vào công ty và gửi khai báo y tế cho bộ phận nhân sự”. Chị Ngọc Trâm, nhân viên công ty này, còn cho biết: “Các bộ phận đều đang chuẩn bị kế hoạch để sẵn sàng làm việc từ xa”...

Nhiều công ty khác cũng đã sẵn sàng bật chế độ cho nhân viên làm việc từ xa hoặc làm việc luân phiên (nhóm lên công ty, nhóm làm việc ở nhà) nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. “Cách thức làm việc từ xa đã được chúng tôi cũng như nhiều công ty khác thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội hồi tháng 4-2020, nên mọi người đều đã quen. Giờ chỉ cần tình hình phức tạp hơn là chúng tôi có thể chuyển đổi dễ dàng”, giám đốc một công ty tại TP.HCM chia sẻ.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều công ty toàn cầu có văn phòng đại diện tại TP.HCM duy trì sẵn chế độ làm việc từ xa từ năm 2020 đến giờ, nên “dịch có diễn biến như thế nào cũng không ảnh hưởng đến quy trình làm việc hiện tại”.

Cẩn trọng tấn công mạng

Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc các doanh nghiệp và tổ chức chuyển sang hình thức làm việc, học tập từ xa đồng thời cũng mở ra cơ hội cho tội phạm mạng.

Hãng bảo mật Kaspersky Lab vừa cảnh báo hình thức tấn công bruteforce (thử mật khẩu đúng hay sai) vào các giao thức kết nối máy tính từ xa (Remote Desktop Protocol) đang diễn ra tại khu vực Đông Nam Á. Khi thực hiện loại tấn công này, tội phạm mạng thử nhiều tên đăng nhập và mật khẩu khác nhau đến khi tìm được thông tin đăng nhập đúng và có quyền truy cập kho tài nguyên dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp.

Chris Connel, giám đốc điều hành Kaspersky châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Hai tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã phát hiện hơn 65 triệu nỗ lực lây nhiễm công cụ làm việc từ xa. Còn trong năm 2020, trung bình mỗi ngày giải pháp của chúng tôi ngăn chặn gần 600.000 tấn công bruteforce vào giao thức kết nối máy tính từ xa tại Đông Nam Á”.

Khi cả thế giới phải thực hiện giãn cách vào tháng 3-2020, tổng số lượng tấn công bruteforce vào giao thức kết nối máy tính từ xa tăng từ 93,1 triệu vào tháng 2-2020 lên 277,4 triệu trong 1 tháng sau đó (tương đương tăng 197%). Từ sau tháng 4-2020, số lượng tấn công ít nhất ở khoảng 300 triệu và đỉnh điểm là 409 triệu tấn công trên toàn cầu vào tháng 11-2020. Chỉ sau 1 năm, số lượng này tăng đến 377,5 triệu tấn công - vượt xa số lượng cùng kỳ năm 2020.

“Số tấn công đã phát hiện và các nỗ lực lây nhiễm chúng tôi đang theo dõi đã vẽ lên một bức tranh đáng lo ngại về những mối nguy hại mà nhân viên các tổ chức phải đối mặt khi làm việc tại nhà. Đại dịch chưa thật sự lắng xuống, nên hình thức làm việc từ xa vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, ông Chris Connel cảnh báo.

Ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc điều hành HP Việt Nam, khuyến nghị: “Với sự gia tăng của các phương thức làm việc từ xa trong bối cảnh thế giới hậu COVID-19, các doanh nghiệp cần cân nhắc đổi mới hệ thống bảo mật của mình. Để đối phó với những hiểm họa tấn công, các doanh nghiệp cần một hệ thống bảo mật mạnh mẽ hơn, ưu tiên xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc thay vì chỉ thụ động phát hiện hiểm họa xâm nhập”.

Theo congnghe.tuoitre