leftcenterrightdel
 Nhiều người Mỹ mất nhà vì dịch bệnh và lạm phát. Ảnh: The Washington Post.

Josanne English từng là giám đốc dự án gần Sacramento, California nhưng đã mất việc hồi tháng 4. Sau đó, cô bị thâm hụt tiền nhà vì giá xăng tăng lên 6 USD/gallon (3,78 lít) và chi phí thực phẩm vượt ngân sách.

Hai tháng sau khi bị đuổi khỏi nhà, English vẫn nợ 9.160 tiền thuê và số dư tài khoản ngân hàng của cô gần như bằng 0.

Cô nhận được 1.300 USD hỗ trợ nhà ở từ chính phủ, nhưng khoản tiền không giúp ích nhiều vì giá thuê nhà trung bình đã tăng lên gần 2.800 USD/tháng.

"Năm ngoái tôi đã kiếm được gần 100.000 USD. Tôi không thể tin chuyện này lại xảy đến với mình. Nhưng với giá cả như hiện tại, điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai", cô nói.

Giá thuê nhà tăng vọt

Chi phí nhà ở tăng cao, kết hợp với lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm qua đã khiến nhiều người Mỹ trở thành người vô gia cư và hàng triệu người khác lo sợ họ sẽ sớm mất nhà.

Các nhà tạm trú trên khắp đất nước ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng người tìm kiếm trợ giúp khi họ phải vật lộn để trang trải những thứ cơ bản nhất như gas, xăng, thực phẩm.

Giá nhà tăng vọt giúp các chủ nhà hiện tại nhìn thấy cơ hội làm giàu mới. Trong khi đó, đối với nhiều người Mỹ không có nhà riêng, việc đơn giản là tìm một nơi để qua đêm ngày càng trở nên đắt đỏ và xa tầm với.

Meredith Greif, người có công việc tập trung vào tình trạng vô gia cư và bất bình đẳng ở Đại học Johns Hopkins, nói: "Ở mọi nơi, giá cả đều tăng, nhưng tiền lương không theo kịp".

Tháng 1/2020, có hơn 580.000 người ở Mỹ trở thành người vô gia cư, theo Liên minh quốc gia chấm dứt tình trạng vô gia cư.

Trong các cuộc phỏng vấn, quan chức nhà tạm trú ở 15 bang đều báo cáo số người, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân, tìm kiếm dịch vụ trong năm nay tăng đáng kể. Tại một số nơi, danh sách chờ đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba chỉ trong vài tháng.

leftcenterrightdel
Sabrina Barger-Turner mất việc và phải sống cùng các con trên xe tải hoặc nhà nghỉ. Ảnh: The Washington Post. 

Trước đây, tình trạng vô gia cư thường liên quan đến thất nghiệp, các vấn đề sức khỏe, chi trả các khoản phí y tế đột xuất. Tuy nhiên, gần đây, các nhà tạm trú cho biết họ đang chứng kiến sự gia tăng các gia đình vẫn có công việc ổn định, thậm chí lương cao nhưng không thể mua được nhà ưng ý.

Sabrina Barger-Turner (36 tuổi) từng có công việc kế toán với mức lương khoảng 60.000 USD/năm. Tuy nhiên, một năm sau khi con trai nhập viện vì hen suyễn nặng, cô mất việc.

Công việc lặt vặt mà cô đã làm từ đó đến nay không đủ để tiết kiệm tiền mua nhà. Họ sống trong các nhà nghỉ với giá 89 USD/đêm hoặc ngủ trên xe bán tải.

Hiện Barger-Turner bán đồ trang sức tự làm và đôi khi nhận các hợp đồng giao hàng cho DoorDash. Nhưng cô nói rằng giá xăng tăng vọt khiến cuộc sống vẫn rất khó khăn.

"Tôi không muốn gì hơn là cho các con một chiếc giường của riêng chúng, để chúng không phải sống như thế này".

Work from home nhưng không có nhà

Ngay cả với những người đang sống trong nhà thuê, viễn cảnh đột nhiên bị di dời đang đến gần hơn.

Ước tính có khoảng 13,7 triệu người Mỹ đã chậm trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp vào đầu tháng 6, tăng 7% so với tháng 4. Trong số đó, 4,6 triệu người trưởng thành nói rằng họ "có khả năng" hoặc "rất có thể" bị đuổi ra khỏi nhà hoặc bị tịch thu nhà trong 2 tháng tới, tăng 32% so với đầu tháng 4.

Theo một báo cáo năm 2020, nếu giá thuê nhà tăng thêm 100 USD, tỷ lệ người vô gia cư ước tính tăng 9%. Giá chào thuê trung bình trên toàn quốc đã tăng lên mức kỷ lục 2.002 USD vào tháng 5, tăng 15% so với mức 1.738 USD một năm trước, theo công ty môi giới bất động sản Redfin.

leftcenterrightdel
Ở Mỹ, giá thuê nhà tăng thêm 100 USD, tỷ lệ người vô gia cư ước tính tăng 9%. Ảnh: USD Today. 

Trong nhiều tháng, Venus Lopez phải work from home nhưng lại không có nhà.

Lopez (35 tuổi) đã rời khỏi căn hộ ở Tucson, Arizona vào tháng 10 năm ngoái và chuyển đến một nhà trọ với 3 con trai.

Cô cố gắng tiếp tục làm việc, nhưng kết nối Internet chập chờn khiến công việc không thuận lợi. Tháng trước, Lopez bị sa thải. Cấp trên nói họ sẽ tái ký hợp đồng nếu cô tìm được nơi ở ổn định.

Giá thuê nhà đã tăng 22% kể từ đầu đại dịch. Với khoản tiền 1.100 USD, Lopez ngày càng khó tìm nhà.

Cô đang trả 483 USD một tuần cho nhà trọ mà cô ở chung với các con trai (3, 5 và 14 tuổi) nhưng tháng nào cũng trong tình trạng cạn ví.

Một vài địa điểm giá cả phải chăng mà Lopez tìm thấy có danh sách chờ hàng tháng trời. Cô đã vay tiền từ mẹ, một người anh họ và không còn nơi nào để nhờ giúp đỡ.

Theo zingnews